image banner
Truyền thống lịch sử Đảng bộ huyện Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa: (Phần 3)
ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO TOÀN DÂN THỰC HIỆN HAI NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC: XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở MIỀN BẮC VÀ ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1954 - 1975).

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Giơnevơ (tháng 7 - 1954) lập lại hòa bình ở Đông Dương. Miền Bắc nước ta hoàn toàn được giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới thống nhất nước nhà. Nhưng đế quốc Mỹ lại có âm mưu thay thế Pháp thống trị miền Nam Việt Nam, uy hiếp Campuchia, khống chế Lào. Phong trào cách mạng ba nước Đông Dương lại đối đầu với chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ. Dân tộc Việt Nam lại phải đứng lên đấu tranh thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. Để thực hiện được mục tiêu đó, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Thanh Hóa là một tỉnh lớn của miền Bắc, có vị thế chiến lược trọng yếu, đất rộng, người đông, có 4 vùng kinh tế giàu tiềm năng, nhân dân giàu lòng yêu nước, Đảng bộ Thanh Hóa ra đời sớm tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc. Song, cũng như các tỉnh ở miền Bắc, Thanh Hóa phải đối đầu với những khó khăn thách thức to lớn do thực dân Pháp để lại và đế quốc Mỹ gây ra.

Đối với Lang Chánh:  Là một huyện miền núi vùng cao có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống. Nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, sản xuất tự cấp, tự túc, dân trí xã hội chưa cao, đời sống kinh tế, văn hóa so với nhiều khu vực trong tỉnh còn hạn chế. Trong kháng chiến chống Pháp do yêu cầu phục vụ chiến đấu, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng một số tuyến đường giao thông, nhưng nhìn chung kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn thấp kém. Sự giao lưu giữa các khu vực trong huyện chủ yếu là đi bộ, đi ngựa... Những khó khăn về kinh tế, văn hóa xã hội, giao thông vận tải và hậu quả chiến tranh do quân đội Pháp cùng bọn thổ phỉ, phản động gieo rắc là trở lực lớn đòi hỏi Đảng bộ, nhân dân Lang Chánh phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để khắc phục.

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC KINH TẾ - XÃ HỘI,  XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT BAN ĐẦU CHO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (1954 - 1965)

Khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội (1954 - 1957)

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-28/8de8870934869e8dLICHI%20SI%20%C4%90F%20MOI.jpg

Ngay sau ngày hòa bình lập lại, ngày 5 - 9 - 1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân lúc này là: Đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến để củng cố hòa bình, ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, phục hồi và nâng cao sản xuất, tăng cường và xây dựng quân đội nhân dân để củng cố miền Bắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc. Tiếp đó, tháng 3 năm 1955, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 ra Nghị quyết về khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa ba năm (1955 - 1957).

Triển khai thực hiện Nghị quyết 6 và 7 của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo nhân dân trong tỉnh thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của miền Bắc là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, hàn gắn vết thương chiến tranh thống nhất nước nhà.

Đảng bộ huyện Lang Chánh quán triệt chủ trương của Trung ương, của tỉnh chỉ đạo nhân dân bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định đời sống.

Trong kháng chiến chống Pháp, quân đội thực dân Pháp và bọn thổ phỉ phản động liên tục càn quét, cướp phá các xã vùng biên giới. Nhiều gia đình nhà cửa tài sản bị đốt phá, ruộng rẫy hoang hóa, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình có người thân bị giặc bắt, giết hại hoặc bị dụ dỗ đi theo phỉ để lại hậu quả nặng nề... Hòa bình vừa lập lại, địch đã cho máy bay lén lút thả dù tiếp tế vũ khí lương thực cho bọn phỉ còn sót lại và chỉ đạo bọn phản động ra sức chống phá công cuộc cách mạng ở miền Tây Thanh Hóa. Bọn chúng đã cố tình xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về dân tộc, tôn giáo gây hoang mang dao động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo quần chúng di cư sang Lào và kích động quần chúng gây bạo loạn. Bọn lang đạo phản động và thổ phỉ ở Lang Chánh đã liên hệ với các tên trùm phản động ở miền Tây như: Hà Văn Lộc (tức giáo Lê), Lò Khăm Thi, Lữ Văn Thiện, Hà Văn Thăng, Phạm Bá Thơ nhằm tổ chức lại phỉ.

Sau khi móc nối xây dựng lực lượng phỉ ở Huối Thần, Mường Xôi, Na Ngừa, Hốp Phao (tỉnh Hủa Phăn - Lào), bọn phản động đã tung tay chân vào nội địa các huyện Quan Hóa, Lang Chánh liên kết với thổ ty, lang đạo phản động, tổ chức hội họp, xây dựng cơ sở dọc theo sông Mã, sông Luồng. Chúng đã uy hiếp nhân dân, thu thập tình hình dân công, bộ đội dọc tuyến biên giới và trên đường 23, kích động bọn phản động chống phá công cuộc xây dựng hòa bình ở miền Tây Thanh Hóa.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy (ngày 23 - 3 - 1955) và Chỉ thị của Trung ương Đảng (ngày 16 - 4 - 1955) về chống phỉ bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân, Huyện ủy đã tiến hành tổ chức lực lượng tuyên truyền, giáo dục nhân dân vạch rõ âm mưu của đế quốc Mỹ, của bọn thổ phỉ phản động, đồng thời tổ chức lực lượng tham gia tiễu phỉ. Nhờ đó, nhân dân và lực lượng vũ trang các xã vùng biên đã nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan âm mưu và hoạt động phá hoại của địch. Nhân dân xã Yên Khương đã phát hiện máy bay của địch thả dù tiếp tế cho phỉ kịp thời báo cáo với công an, bộ đội vây bắt. Mẹ Soi (xã Yên Khương) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nên nhiều gia đình không theo địch sang Lào. Đảng bộ, nhân dân xã Yên Khương đã ngăn chặn và tổ chức lực lượng vây bắt một số người trong xã mang thuốc phiện cho bọn buôn lậu. Dựa vào tai mắt và lực lượng quần chúng, công an, bộ đội, du kích đã kiên trì theo dõi các đối tượng phản động và thực hiện những giải pháp sắc bén ngăn chặn, trừng trị hành động chống phá của chúng. Bằng những giải pháp thiết thực và hiệu quả, Đảng bộ, nhân dân Lang Chánh, đặc biệt là Đảng bộ, nhân dân các xã vùng biên giới đã kết hợp với lực lượng của tỉnh gọi ra đầu thú và khám phá nhiều cơ sở của phỉ, bắt sống hàng trăm tên. Trong đó, có tên cầm đầu như: Tạo Ngân, Tạo Thi, Lý Khánh, Lý Cán... góp phần giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội khu vực biên giới quốc gia.

Cuối năm 1954, một đoạn đê sông Chu bị vỡ, lũ lụt lớn, mùa màng thất bát, nạn đói diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy về việc chống đói và phục hồi sản xuất, Đảng bộ Lang Chánh đã chỉ đạo chống đói cho nhân dân trong huyện và đóng góp lương thực, tiền của giúp đỡ các huyện trong tỉnh.

Với tinh thần “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no” nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết thương yêu đùm bọc, san sẻ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua nạn đói. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban miền Tây: từ ngày 15 - 3 đến 15 - 4 - 1955, toàn huyện đã quyên góp đợt đầu được 142 kg gạo, 170 kg thóc, 1.624 kg sắn, giúp đỡ các gia đình thiếu bữa. Cùng với quyên góp lương thực, Đảng bộ đã chỉ đạo nhân dân khai thác lâm sản bán để cứu đói và đóng góp cho tỉnh làm lán trại trao trả tù binh với Pháp ở Sầm Sơn và đón tiếp cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ. Riêng chòm Cui, xã Đồng Lương đã khai thác 28 mảng luồng và một số mảng gỗ. Toàn huyện đã khai thác hàng vạn cây luồng, hàng trăm khối gỗ đưa về xuôi: một phần bán lấy tiền cứu đói, một phần cung cấp cho tỉnh góp phần xây dựng nhà cửa, lán trại khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng lại thị xã Thanh Hóa. Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ và nhân dân Lang Chánh đã giúp đỡ nhân dân huyện Như Xuân 43 kg gạo, 179 kg thóc, 27.550 đồng; giúp đỡ nhân dân huyện Thạch Thành 120.000 đồng. Nhân dân xã biên giới Yên Khương đã gùi hàng tạ gạo vượt qua hàng chục km đường rừng giúp đỡ nhân dân xã Giao An... Truyền thống “Đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau” của đồng bào các dân tộc đã được Đảng bộ huyện Lang Chánh khơi dậy và phát huy cao độ phục vụ lợi ích toàn xã hội.

Nhằm từng bước ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, Tỉnh ủy chủ trương mở cuộc vận động “Đoàn kết, sản xuất, tiết kiệm” ở các huyện miền núi. Tỉnh ủy đã tổ chức các đoàn cán bộ về huyện Lang Chánh tổ chức, thực hiện phong trào. Huyện ủy đã cùng với đoàn chỉ đạo của tỉnh chia thành từng tổ về các chòm bản chỉ đạo đồng bào làm thủy lợi, làm phân bón, chống sâu bệnh, phổ biến và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng tổ đổi công, vần công... Huyện ủy chỉ đạo chính quyền các cấp chia lại công điền, công thổ và ruộng đất vắng chủ cho nông dân sản xuất. Trong từng chòm bản bà con tích cực khai phá ruộng rẫy mở rộng diện tích canh tác và làm phân chuồng, phân xanh bón cho ngô, lúa, hoa màu. Chính quyền và nông hội vận động bà con mua sắm cày bừa cải tiến để làm đất gieo trồng kịp thời vụ. Toàn huyện đã đào đắp hàng chục km kênh mương, điển hình là nhân dân xã Tân Phúc. Toàn huyện đã làm mới hàng trăm guồng lấy nước tưới cho đồng ruộng. Các đơn vị dân quân, du kích đã dũng cảm cứu vớt tính mạng và tài sản nhân dân trong mùa bão lụt.

Năm 1957, nạn châu chấu và chuột hoành hành tàn phá hoa màu, Huyện ủy đã phát động toàn dân diệt chuột và châu chấu trừ hại cho mùa màng. Nhân dân toàn huyện đã dùng các phương tiện thủ công bắt được 900 kg châu chấu và 2 vạn con chuột. Cùng với sản xuất, Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng 270 tổ đổi công, vần công đã góp phần đoàn kết tương trợ lẫn nhau của nhân dân trong sản xuất. Việc tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất không dừng lại ở chòm bản mà đã mở rộng đến các xã trong toàn huyện. Xã Quyết Thắng và xã Yên Khương đã hỗ trợ nhau 6.000 bó mạ để cấy hết diện tích kịp thời vụ... Do tích cực thực hiện cuộc vận động "Đoàn kết, sản xuất, tiết kiệm”, trong những năm 1955 - 1957, kinh tế huyện Lang Chánh đã phát triển từng bước, đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện, toàn huyện có điều kiện nộp thuế làm nghĩa vụ cho Nhà nước. Vụ chiêm 1956, Lang Chánh nợ Nhà nước 250 tấn thóc thuế, đến vụ mùa đã hoàn thành đầy đủ và vượt kế hoạch 36 tấn thóc thuế. Trong nhiều năm, huyện Lang Chánh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế nông nghiệp, được Tỉnh ủy và Uỷ ban hành chính tỉnh biểu dương, khen thưởng, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần Người vào thăm Thanh Hóa lần thứ 2 (1957) về sản xuất và tiết kiệm. Người dạy “Sản xuất mà không tiết kiệm chẳng khác gì gió vào nhà trống...” Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tích cực vận động đồng bào các dân tộc ra sức thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm. Bằng nhiều biện pháp sáng tạo, thiết thực nhận thức của nhân dân từng bước được nâng lên, thực hiện tiết kiệm trong cưới xin, ma chay, đình đám, lễ chạp...

Cuộc vận động “Đoàn kết, sản xuất, tiết kiệm” là cuộc vận động toàn Đảng, toàn dân trong huyện phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, chuẩn bị điều kiện về vật chất, tinh thần, tổ chức và tư tưởng để tiến tới xác lập quan hệ sản xuất mới trên địa bàn Lang Chánh.

Thực hiện cải cách dân chủ kết hợp cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958 - 1960)

Tháng 11 - 1958, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa II) chỉ rõ nhiệm vụ cơ bản của miền Bắc trong 3 năm (1958 - 1960) là: “Đẩy mạnh cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm trước mắt là đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh, đồng thời ra sức phát triển thành phần kinh tế quốc doanh - lực lượng chủ đạo của nền kinh tế quốc dân.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, để xác định phương hướng, nhiệm vụ trong 3 năm (1958 - 1960), tháng 2 - 1959, Đảng bộ huyện Đại hội lần thứ III, đánh giá kết quả đạt được trong công cuộc vận động “Đoàn kết, sản xuất, tiết kiệm”, đề ra phương hướng nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo toàn dân triển khai thực hiện Chỉ thị 159 của Trung ương Đảng về kết hợp cải cách dân chủ với xây dựng HTX nông nghiệp ở khu vực miền núi. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 11 đồng chí, bầu đồng chí Trịnh Ban làm Bí thư, đồng chí Lê Văn Ắn làm Phó Bí thư.

Trong kháng chiến chống Pháp và những năm hòa bình, Đảng ta chủ trương đoàn kết dân tộc nên tiến hành cách mạng dân chủ ở địa bàn các huyện miền núi còn ở mức độ thấp (chủ yếu là đấu tranh xóa bỏ phục dịch, hoặc chia lại công điền công thổ, chưa tiến hành giảm tô, giảm tức và tiến hành cải cách ruộng đất...).

Trong những năm 1959 - 1960, thực hiện Chỉ thị 159 của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện miền núi tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) với cải cách dân chủ.

Tháng 12 - 1959, Ban Công tác Nông thôn Tỉnh ủy cùng với lãnh đạo các huyện miền núi chỉ đạo xây dựng thí điểm hợp tác xã (HTX) tại 4 xã: Minh Sơn (Ngọc Lặc), Cẩm Bình (Cẩm Thủy), Long Vân (Bá Thước), Sơn Thủy (Quan Hóa). Đúc rút kinh nghiệm ở các địa phương chỉ đạo điểm, ngày 27 - 3 - 1960, Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện miền núi đồng loạt tiến hành cải cách dân chủ xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ, thổ ty, lang đạo, xác lập quyền sở hữu ruộng đất của nông dân lao động. Toàn bộ địa chủ, lang đạo tự nhận thành phần, chấp nhận lao động cải tạo và thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về việc trưng thu, trưng mua trâu bò, công cụ sản xuất. Kết hợp với cải cách dân chủ, đồng bào các dân tộc miền núi tự nguyện gia nhập HTX. Cải cách dân chủ đến đâu xây dựng HTX nông nghiệp đến đó. Cùng với xây dựng HTX nông nghiệp, các huyện miền núi tiến hành xây dựng HTX mua bán và HTX tín dụng, thực hiện phong trào thi đua “Ba ngọn cờ hồng”.

Tại Lang Chánh, học tập kinh nghiệm của tỉnh, Huyện ủy đã tiến hành cải cách dân chủ ở Yên Khương, đúc rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Để tiến hành cải cách dân chủ, kết hợp với xây dựng HTX nông nghiệp đạt kết quả tốt, Đảng bộ huyện tổ chức tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ nông dân tích cực đấu tranh xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của thổ ty, lang đạo, xác lập quyền sở hữu ruộng đất của nông dân.

Năm 1960, cải cách dân chủ ở Lang Chánh kết thúc thắng lợi. Toàn huyện có 15 địa chủ, trong đó có 1 địa chủ kháng chiến và 4 địa chủ cường hào gian ác, 15 phú nông đã trả lại ruộng đất, trâu bò, tài sản cho chính quyền với số lượng: Diện tích lúa nước cấy được 3.180 bó mạ, 45 đám luồng, 32 con trâu bò, 2 khẩu súng và nhiều tài sản khác. Ngoài ra, còn có 2 phú nông tự nguyện hiến một số thửa ruộng cấy được 320 bó mạ và một số tài sản khác. Chính quyền huyện đã chia số ruộng đất và tài sản cho 37 hộ nông dân nghèo với diện tích cấy được 500 bó mạ, 32 con bò, 5 đám luồng... Số ruộng đất, tài sản còn lại giao cho các HTX nông nghiệp.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-28/6ee8584e0915a82d635949397.jpg

Quá trình thực hiện Chỉ thị 159 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải tạo xã hội chủ nghĩa kết hợp với cải cách dân chủ ở các huyện miền núi, Đảng bộ, nhân dân huyện Lang Chánh đã giành được thắng lợi quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội. Quan hệ sản xuất phong kiến từ ngàn đời nay đã bị xóa bỏ, quan hệ sản xuất mới được hình thành phát triển tạo ra những điều kiện thuận lợi để xây dựng CNXH. Nhưng trong cải cách dân chủ vẫn phạm một số khuyết điểm:

Một là:  Phương pháp tuyên truyền giáo dục giác ngộ quần chúng còn đơn giản, chưa liên tục, thiếu sắc bén nên một bộ phận đồng bào các dân tộc ý thức giai cấp còn thấp, giác ngộ về cách mạng XHCN chưa sâu sắc.

Hai là:  Một số trường hợp xác định thành phần chưa chuẩn xác, ảnh hưởng không tốt đến đoàn kết nội bộ nhân dân.

Cải cách dân chủ tuy còn những khuyết điểm nhưng đã tạo ra những yếu tố quan trọng để xây dựng HTX nông nghiệp.

Xây dựng HTX trong nông nghiệp là cuộc vận động cách mạng trong lĩnh vực kinh tế có nhiều khó khăn và phức tạp. Đảng bộ Lang Chánh đã đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng trong toàn xã hội và tích cực vận động nông dân tham gia HTX. Huyện ủy đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập nắm vững đường lối chính sách của Đảng và định ra kế hoạch cụ thể cho từng bước tiến hành. Sau đó tổ chức cho các đoàn thể quần chúng và toàn thể nhân dân học tập chủ trương chính sách, học tập điều lệ HTX nông nghiệp, HTX mua bán, HTX tín dụng. Trong thời gian này các tổ thông tin của từng thôn bản đã tập trung đọc điều lệ HTX cho nhân dân tìm hiểu; thanh niên, thiếu niên, học sinh tổ chức cổ động, rước đuốc chào mừng và khích lệ nông dân tham gia HTX. Bằng các hình thức tuyên truyền cổ động phù hợp, nông dân trong huyện đã lần lượt viết đơn gia nhập HTX nông nghiệp, HTX mua bán và HTX tín dụng.

Đầu năm 1959, Huyện ủy chỉ đạo thành lập HTX nông nghiệp Việt Hùng (xã Giao An) và HTX nông nghiệp làng Cui (xã Đồng Lương) làm thí điểm rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Đến tháng 4 - 1960, toàn huyện đã xây dựng được 46 HTX nông nghiệp (chiếm 46,8% tổng số hộ nông dân toàn huyện).

Trong lĩnh vực xây dựng, năm 1958, Huyện ủy Lang Chánh đã chỉ đạo, huy động hàng nghìn dân công, chia thành nhiều đợt, mỗi đợt từ 3 đến 5 tháng mở các đường giao thông từ thị trấn Lang Chánh đi xã Trí Nang, xã Yên Thắng và xã Yên Khương, nhờ đó việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Giữa lúc phong trào thi đua “Ba ngọn cờ hồng” trong nông nghiệp phát triển mạnh, từ ngày 10 đến ngày 17 - 4 - 1960, Đảng bộ huyện Lang Chánh tiến hành Đại hội lần thứ IV. Đại hội đã nghiêm túc phân tích, đánh giá tình hình, rút ra những thành công, hạn chế, thiếu sót khuyết điểm trong công tác cải tạo XHCN, xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị và đề ra phương hướng, nhiệm vụ mới.

Về phương hướng chung, Đại hội chỉ rõ: Phải tích cực cải tạo, xây dựng CNXH trên tất cả các lĩnh vực. Ra sức củng cố, phát triển quan hệ sản xuất mới vững mạnh, đẩy nhanh tốc độ sản xuất lương thực, phát triển chăn nuôi toàn diện cả về tổng đàn và chất lượng; chú trọng phát triển đàn bò và đàn lợn, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, kết hợp chặt chẽ giữa khai thác lâm sản với trồng rừng và bảo vệ rừng. Ra sức làm thủy lợi chống úng, chống hạn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất chất lượng. Thanh toán nạn mù chữ, đẩy mạnh bổ túc văn hóa tiến tới phổ cập chương trình cấp I trên địa bàn toàn huyện. Xây dựng Đảng và hệ thống chính quyền, mặt trận, đoàn thể vững mạnh trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Củng cố phát triển lực lượng vũ trang, bảo vệ vững chắc khu vực biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong công tác xây dựng Đảng, chú trọng nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, tích cực phát triển đảng viên mới trong đồng bào các dân tộc, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp đáp ứng yêu cầu mới. Đại hội đã xác định một số mục tiêu cụ thể như sau:

Trong lĩnh vực kinh tế:  Gieo trồng hết diện tích đã có và khai thác mở rộng 30 mẫu lúa, phấn đấu đạt 7.650 tấn lương thực quy thóc/năm, bình quân lương thực đầu người đạt 350 kg, gieo trồng 70 mẫu bông đạt 1.540 kg bông. Trong chăn nuôi đảm bảo cho đàn trâu bò tăng bình quân hàng năm từ 12 - 15%, mỗi gia đình phấn đấu nuôi 1 lợn nái, 2 lợn thịt và tích cực phòng chống dịch bệnh. Phương hướng phát triển lâm nghiệp là: Kết hợp khai thác lâm sản với trồng rừng và bảo vệ rừng. Trong đó, luồng là loại cây trồng có ý nghĩa chiến lược phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương. Phấn đấu từng gia đình mỗi năm trồng 10 gốc luồng, khai thác mỗi năm 500.000 cây luồng, 1.200.000 cây nứa, 30m 3  gỗ và tích cực bảo vệ rừng.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội:  Thanh toán nạn mù chữ cho 713 người trong 4 xã. Động viên 5.800 người học hết lớp 1 và lớp 2 bổ túc văn hóa. Phấn đấu tất cả cán bộ, đảng viên mỗi năm học một lớp. Mở rộng trường phổ thông cấp I. Phát triển thêm lớp 4 và lớp 5. Củng cố mở rộng hệ thống trạm xá, đào tạo cho mỗi thôn, bản 1 y tá và 1 nữ hộ sinh, đảm bảo đầy đủ thuốc men phục vụ nhân dân chữa bệnh. Đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, chống mê tín dị đoan, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nền văn hóa mới.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 9 đồng chí, đồng chí Trịnh Ban được bầu làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Lê Văn Ắn làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, Huyện ủy đã đề ra nhiều chủ trương giải pháp sắc bén, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh các phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, trong đó “Ba ngọn cờ hồng” được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện thắng lợi “Ba ngọn cờ hồng” tức là xây dựng thành công quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn. Trong đó xây dựng HTX nông nghiệp là yêu cầu cơ bản, xây dựng HTX mua bán, HTX tín dụng là điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy nông nghiệp nông thôn tiến lên CNXH.

Lang Chánh là một huyện miền núi vùng cao, điều kiện giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhiều xã xa trung tâm huyện hàng chục km, dân cư phân tán, nhiều bản, nhiều chòm chỉ có từ 5 - 6 gia đình... tuy điều kiện khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần nỗ lực phấn đấu, cuối năm 1960 toàn huyện đã xây dựng được 60 HTX nông nghiệp, trong đó tỉ lệ xã viên chiếm 68% hộ nông dân trên địa bàn toàn huyện.

Cải cách dân chủ kết hợp với cải tạo XHCN trong nông nghiệp, nông thôn đã tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do xây dựng được HTX nông nghiệp nên đã tập trung được lực lượng lao động đẩy mạnh công tác thủy lợi, đào mương chống úng, chống hạn, đắp bờ vùng bờ thửa giữ nước, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất. Vụ chiêm 1960 toàn huyện đã đào đắp 22 km kênh mương và hàng trăm km bờ vùng, bờ thửa. Toàn huyện đã mua sắm 1.115 cày bừa cải tiến, mua sắm 22 xe cải tiến chở phân, chở thóc góp phần giải phóng đôi vai cho người lao động. Toàn huyện làm được 3.131 tấn phân bón. Đẩy mạnh việc ứng dụng các biện pháp khoa học vào các khâu xử lý giống (phương pháp 3 sôi, 2 lạnh) ủ phân bón, bón vôi chống chua phèn... Nhờ đó, năng suất vụ mùa bình quân toàn huyện đạt 12 tạ/mẫu. Xã Yên Khương đạt 18 tạ/mẫu, xã Giao An đạt 16 tạ/mẫu, xã Lê Lai đạt 22 tạ/mẫu.

Cùng với xây dựng HTX nông nghiệp, Huyện ủy đã tích cực xây dựng HTX mua bán và HTX tín dụng, xã viên đã đóng góp cổ phần, xây dựng cửa hàng, trụ sở làm việc, tổ chức đại hội bầu ban quản lý. Hệ thống HTX mua bán từ khi ra đời đã kết hợp chặt chẽ với mậu dịch quốc doanh đáp ứng yêu cầu phân phối lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Năm 1960, cửa hàng bách hóa bán ra đạt 102%, cửa hàng lương thực bán ra đạt 96%. Hệ thống HTX tín dụng đã kết hợp với ngân hàng cho các HTX nông nghiệp và HTX mua bán vay vốn tổ chức sản xuất kinh doanh.

Có thể khẳng định: từ sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, phong trào thi đua “Ba ngọn cờ hồng’’ đạt kết quả mới, tạo ra nguồn động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội từng bước phát triển. Tuy vậy, sự phát triển còn chậm, không đều giữa các lĩnh vực và các vùng miền. Các chỉ tiêu về lương thực, về cây công nghiệp, về chăn nuôi, về khai thác lâm sản và trồng rừng chưa đảm bảo kế hoạch. Điều đó đòi hỏi Đảng bộ, hệ thống chính quyền, HTX phải nâng cao trình độ và trách nhiệm tổ chức, quản lý kinh tế xã hội, cần phải chủ động sáng tạo nắm bắt và giải quyết kịp thời các yêu cầu của sản xuất, chống tư tưởng chủ quan, bảo thủ, trông chờ ỷ lại cấp trên...

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-28/8de8870934869e8dLICHI%20SI%20%C4%90F%20MOI.jpg

Lãnh đạo nhân dân thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965)

Tháng 9 - 1960, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ III, đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước. Đại hội chỉ rõ: Nhiệm vụ tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định đối với toàn bộ cách mạng Việt Nam. Để đạt được mục tiêu xây dựng CNXH ở miền Bắc phải sử dụng chính quyền dân chủ nhân dân thực hiện chuyên chính vô sản, cải tạo XHCN, thực hiện công nghiệp hóa XHCN bằng cách: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, đẩy mạnh cách mạng XHCN về tư tưởng, văn hóa, khoa học kỹ thuật biến nước ta thành một nước XHCN có nền công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiến hành Đại hội lần thứ V (từ ngày 25 - 2 đến ngày 5 - 3 - 1961), đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 3 năm (1958 - 1960), đề ra chủ trương giải pháp thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Đại hội chỉ rõ: chuyển hướng mạnh mẽ sự lãnh đạo của Đảng bộ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất XHCN. Đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng (cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng văn hóa tư tưởng) lấy cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt, thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, đập tan âm mưu thủ đoạn thâm độc của Mỹ - Diệm, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Ánh sáng nghị quyết của Đảng đã soi đường cho Đảng bộ và nhân dân các huyện trong tỉnh tiến lên.

Tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội III của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, ngày 18 - 02 - 1962, Đảng bộ huyện Lang Chánh tổ chức Đại hội lần thứ V đánh giá kết quả hoạt động trong một nhiệm kỳ, xác định phương hướng nhiệm vụ tiếp tục thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đẩy mạnh sự nghiệp cải tạo xây dựng CNXH. Đại hội đã nghiêm túc đánh giá thành tích đạt được, chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới. Tại Đại hội, Đảng bộ xác định: Nâng cao ý chí phấn đấu, tinh thần dám nghĩ dám làm, khắc phục tư tưởng tự ty, rụt rè, bảo thủ, chủ quan, đẩy mạnh công cuộc cải tạo, củng cố quan hệ sản xuất mới, đồng thời ra sức xây dựng lực lượng sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, phát triển nông - lâm nghiệp toàn diện, lấy sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm, xây dựng công nghiệp và thủ công nghiệp, phát triển giao thông vận tải, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng. Phát triển giáo dục, y tế, thể dục thể thao và văn hóa. Làm cho kinh tế và văn hóa - xã hội phát triển cân đối, nhịp nhàng tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Tăng cường xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, củng cố phát triển các tổ chức quần chúng, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc chính trị và trật tự an toàn khu vực biên giới.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 13 đồng chí, đồng chí Lê Văn Ắn làm Bí thư, đồng chí Phạm Văn Cướn làm Phó Bí thư.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V cùng với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân Lang Chánh triển khai thực hiện với khí thế quyết tâm cao độ trên tất cả các lĩnh vực.

Về kinh tế , thực hiện Nghị quyết Đại hội, tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất mới, Huyện ủy đã chỉ đạo hợp nhất các HTX nhỏ thành HTX có quy mô lớn hơn. Đầu tiên là hợp nhất 28 HTX quy mô nhỏ (có HTX chỉ có 7 hộ) thành 13 HTX, chuyển 36 hộ nông dân cá thể còn lại vào HTX (đạt 100% hộ nông dân trên địa bàn huyện vào HTX). Đến năm 1963, Huyện ủy chỉ đạo sắp xếp quy mô HTX nông nghiệp một lần nữa. Toàn huyện đã xây dựng 25 HTX bậc cao gồm 646 hộ xã viên.

Cùng với củng cố quan hệ sản xuất, tháng 10 - 1962, Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định thành lập Trạm Lâm nghiệp Quyết Thắng để thu mua lâm sản trên địa bàn huyện, làm nòng cốt trong kinh tế lâm nghiệp ở huyện Lang Chánh.

Nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi phục vụ khai thác vận chuyển lâm sản, cũng trong năm 1962, Công ty Thi công cầu đường và Xây dựng cơ bản lâm nghiệp Lang Chánh được thành lập (nay là Công ty Xây dựng cơ bản lâm nghiệp Lang Chánh) đã tổ chức thi công xây dựng hàng trăm km đường lâm nghiệp, đồng thời xây dựng các con đường liên thôn, liên xã phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa trong huyện.

Từ năm 1959 - 1962, các ngành cấp tỉnh thành lập các cơ quan chuyên ngành trên địa bàn huyện Lang Chánh như: Ngân hàng, cửa hàng lương thực, hợp tác xã mua bán, cửa hàng dược phẩm, bưu điện, hiệu sách… để phục vụ nhân dân.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tháng 10 - 1962, Huyện ủy tổ chức Hội nghị toàn Đảng bộ xác định chủ trương giải pháp công hữu luồng và tổ chức chỉ đạo thực hiện phương châm “Xây dựng điểm, phát triển rộng”. Huyện ủy đã phân công hai đồng chí thường vụ Huyện ủy phụ trách đoàn cán bộ của các ban, ngành trong huyện về HTX làng Cui (xã Đồng Lương) thực hiện thí điểm công cuộc công hữu luồng. Do làm tốt công tác tuyên truyền thuyết phục, xã viên HTX làng Cui đã tự nguyện công hữu luồng. Đúc rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm, Huyện ủy chỉ đạo nhân ra diện rộng. Đến tháng 12 - 1962, toàn huyện đã có 37 HTX (trên tổng số 46 HTX có luồng) đã tiến hành công hữu đạt tỷ lệ 89% diện tích luồng. Phần diện tích luồng chưa công hữu do xã viên tự quản lý, sử dụng. Việc công hữu luồng trên địa bàn Lang Chánh được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

- Tất cả xã viên từ 16 tuổi trở lên (trừ những người tàn tật, già yếu) đều phải đóng góp cổ phần luồng. Những gia đình thừa luồng được thu mua lại và trả gọn trong 3 năm. Cổ phần luồng của xã viên đóng góp cũng được trả gọn trong 3 năm (trả bằng tiền hoặc bằng thóc).

- Tổng giá trị thu hoạch luồng trong từng năm được phân chia như sau: 20% giá trị trả tiền mua luồng của các hộ thừa ruộng và cổ phần xã viên đóng góp, từ 5 - 10% trả công khai thác, 12% nộp quỹ tích lũy xã hội, còn lại từ 55 - 60% chia theo lao động.

 - Các HTX phải tổ chức đội khai thác, đội bảo vệ và đội trồng luồng (tính đến năm 1964, toàn huyện đã tổ chức 46 đội khai thác gồm 301 người 13 đội trồng và bảo vệ rừng luồng gồm 158 người).

Lần đầu tiên trong lịch sử, cây luồng tại huyện Lang Chánh được tổ chức trồng, bảo vệ và khai thác theo một kế hoạch thống nhất đã tạo ra những giá trị mới... nhưng do công tác tổ chức quản lý lỏng lẻo, tỷ lệ khai thác lớn, tốc độ khai thác nhanh, trong khi đó tỷ lệ trồng bổ sung thấp nên rừng luồng ngày một cạn kiệt để lại hậu quả xấu cho môi trường sống... Những năm sau này, Đảng bộ, nhân dân Lang Chánh phải khắc phục những hạn chế nói trên. Tuy còn những hạn chế khuyết điểm nhưng trong những năm 1961 - 1965, ngành Lâm nghiệp Lang Chánh đã phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng CNXH. Mỗi năm, toàn huyện đã khai thác, vận chuyển trên 25.000m 3  gỗ, 500.000 cây luồng, cây nứa đáp ứng một phần yêu cầu xây dựng trong tỉnh.

Cùng với phát triển kinh tế lâm nghiệp, Đảng bộ đã tổ chức lãnh đạo nhân dân toàn huyện tiến hành công tác thủy lợi, đã đào đắp xây dựng hồ Bí Nghịu (xã Giao An), hồ Chiềng Khạt (xã Đồng Lương) và hàng chục công trình khác. Riêng năm 1963, toàn huyện đã đào đắp 161.200m 3  đất đá, hoàn chỉnh mương tưới tiêu, hoàn chỉnh thủy lợi mặt ruộng.

Việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất được tiến hành sâu rộng trong các HTX, trong các cơ sở sản xuất. Các HTX đã trích quỹ mua sắm cày bừa, xe cải tiến... Vì vậy, việc làm đất, bón phân, thu hoạch kịp thời vụ, tránh một phần lãng phí thất thoát. Việc dùng phân hữu cơ bón ruộng trở thành yêu cầu chung của các HTX. Bà con xã viên đã sản xuất cho các HTX hàng ngàn tấn phân hữu cơ bón ruộng. Năm 1965, toàn huyện đã tổ chức sản xuất hàng trăm tấn vôi bột bón ruộng chống chua, phèn. Các xã Yên Khương, Quyết Thắng, Đồng Lương, Tân Phúc đã bón mỗi mẫu ruộng 3 tấn phân hữu cơ, 90 kg vôi bột. Các xã bước đầu mạnh dạn đưa giống mới cho năng suất cao vào sản xuất đại trà và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về xử lý giống, phòng chống sâu bệnh, chăm sóc, bón phân. Quan hệ sản xuất mới và phương pháp tổ chức sản xuất mới đã tạo ra năng suất cây trồng vật nuôi mà trước đó còn là mơ ước của đồng bào các dân tộc trong huyện.

Năm 1965, diện tích lúa toàn huyện đạt 3.203 mẫu; năng suất, sản lượng đều tăng so với những năm trước, cao hơn năm 1964 là 86 tấn. Toàn huyện đã có 44 HTX vượt chỉ tiêu sản xuất lương thực. Riêng HTX chòm Ảng (xã Quyết Thắng), HTX Chòm Cui (xã Đồng Lương) đạt năng suất trên 15 tạ/mẫu. Cây ngô toàn huyện gieo trồng 260 mẫu, cây sắn đạt 500 mẫu, nhờ đó sản lượng hàng hóa quy thóc vượt năm 1964 là 83 tấn.

Về chăn nuôi, có bước phát triển vững chắc. Năm 1960, dịch bệnh kéo dài, nhiều trâu bò bị chết. Huyện ủy, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo chống rét và chống dịch bệnh cho trâu bò. Nhờ đó, đến năm 1963, đàn trâu tăng lên 4.671 con (tăng hơn năm 1961 là 1.000 con), đàn bò đạt 897 con. Đàn lợn toàn huyện đạt 5.428 con, trong đó có 2.890 con lợn nái. Đàn gia cầm đạt 48.265 con, bình quân mỗi hộ trong huyện nuôi 24 con gà và ngan, ngỗng. Bên cạnh chăn nuôi gia đình, toàn huyện phát triển nhiều HTX chăn nuôi tập thể, 19 HTX tổ chức chăn nuôi 790 con trâu, 3 HTX tổ chức chăn nuôi 264 con bò. Việc phát triển chăn nuôi gia súc là phương hướng đúng vì các địa phương trong huyện có sẵn điều kiện để phát triển đàn gia súc.

Năm 1961, mặc dù thời tiết không thuận lợi, Huyện ủy vẫn chỉ đạo các địa phương trồng thử 175 mẫu cây công nghiệp. Những năm tiếp theo diện tích, năng suất được mở rộng nhưng thị trường tiêu thụ không phù hợp. Tuy khó khăn nhưng Đảng bộ huyện vẫn tìm cách khắc phục. Về khai thác lâm sản và trồng rừng, Huyện ủy đã chỉ đạo các xã, các HTX xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện tiến hành. Năm 1961, toàn huyện trồng được 250.000 cây các loại, trong đó có 230.000 gốc luồng, khai thác 338.000 cây nứa, 11.000 tấn nâu và 50 loại đặc sản (sa nhân, mộc nhĩ, nấm, quế, mật ong...). Những năm về sau việc khai thác và trồng rừng đạt hiệu quả tốt hơn vì được cán bộ lâm nghiệp của tỉnh, của huyện hướng dẫn chỉ đạo. Nhờ đó, năm 1965 toàn huyện trồng thêm 84.000 gốc luồng, khai thác được 5.767m 3  gỗ, 25.864m song... Có thể khẳng định, những năm 1961 - 1965 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Lang Chánh đã phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng luồng và các loại cây công nghiệp. Cây luồng Lang Chánh chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh phục vụ công cuộc xây dựng CNXH và từ đó huyện Lang Chánh được mệnh danh là “Vua Luồng”. Luồng và rừng đã đem lại cho đồng bào các dân tộc Lang Chánh nguồn lợi to lớn về kinh tế - xã hội.

Các ngành thủ công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng đã tạo ra những thành tích mới. Các HTX rèn, mộc, cắt tóc, may mặc, nhuộm vải được thành lập và tích cực tổ chức sản xuất kinh doanh phục vụ đồng bào các dân tộc trong huyện. Năm 1965, lò vôi của huyện đã cung cấp cho các HTX 40 tấn vôi bón ruộng và hàng chục tấn vôi xây dựng nhà kho, sân phơi, xưởng gỗ; đã sản xuất gần 3.000m 3  gỗ; xưởng rèn sản xụất hàng ngàn dao, rìu, liềm, búa... Ngành Thương nghiệp phát động phong trào thi đua “5 chống, 5 chê, 5 khen” sôi nổi và gặt hái được kết quả tốt. Toàn ngành đã khai thác tại chỗ hàng chục mặt hàng lâm sản quý hiếm để xuất khẩu (năm 1963, khai thác tăng hơn năm 1962 là 29%). Cùng với khai thác thu mua, ngành đã cung cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp trong các HTX trên địa bàn toàn huyện 50 tấn phân hóa học, 81 kg thuốc trừ sâu, 786 chiếc xẻng, cuốc và các loại hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ cán bộ, bộ đội, nhân dân... Do nỗ lực phấn đấu, ngành Thương nghiệp huyện Lang Chánh trở thành lá cờ đầu của ngành Thương nghiệp toàn tỉnh và được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1963, ngành Tài chính đã thu thuế và thu quốc doanh 131.396 đồng đạt 96% kế hoạch, đóng góp tích cực cho nguồn ngân sách của huyện. Ngành Giao thông vận tải đã tích cực tổ chức động viên các địa phương mở rộng giao thông nông thôn liên thôn, liên xã: tu bổ và làm mới đoạn đường từ phố Vinh Quang ra bến xe. Toàn huyện đã đóng và mua hàng trăm xe cải tiến để vận chuyển giống lúa và hàng hóa. Tuy vậy, giao thông vận tải trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập đòi hỏi Đảng bộ nhân dân huyện nhà phải tích cực phấn đấu.

Về văn hóa - xã hội : Hệ thống giáo dục cấp I, cấp II được xây dựng thêm trường, lớp đảm bảo đủ chỗ ngồi cho con em đồng bào các dân tộc học tập. Các xã xây dựng trường mẫu giáo, mầm non, cán bộ công nhân viên chức và xã viên yên tâm công tác vì con em được chăm sóc dạy dỗ chu đáo. Năm 1961, toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát nạn mù chữ, huyện Lang Chánh được công nhận xóa nạn mù chữ. Toàn huyện đã có 98% dân số biết đọc, biết viết. Phong trào bổ túc văn hóa phát triển sâu rộng. Xã mở lớp văn hóa tại chức cho cán bộ, đảng viên, thanh niên học tập. Huyện mở trường vừa học vừa làm nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là con em đồng bào các dân tộc. Mỗi năm có khoảng 120 học viên học từ lớp 2 đến lớp 6. Hệ thống bệnh viện, trạm xá xã được xây dựng mới, hoặc sửa chữa nâng cấp, thuốc men và công cụ khám chữa bệnh được cung cấp đầy đủ, đội ngũ y tá, y sĩ, bác sĩ được bổ sung cả về số lượng và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bệnh sốt rét, bệnh bướu cổ và các dịch bệnh khác từng bước được đẩy lùi. Nếp sống vệ sinh lành mạnh dần dần trở thành phong trào sâu rộng trong từng thôn, bản. Các phong tục tập quán lạc hậu và tệ nạn mê tín dị đoan từng bước bị xóa bỏ. Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng và đem lại hiệu quả xã hội tốt. Đội văn nghệ của các địa phương tự biên, tự diễn nhiều tiết mục đặc sắc được đồng bào các dân tộc yêu mến. Đội văn nghệ làng Cắm (xã Đồng Lương), làng Trô (xã Giao An) là những đơn vị dẫn đầu phong trào văn nghệ quần chúng toàn huyện nhiều năm liên tục.

Mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Lang Chánh, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tích cực phấn đấu xây dựng nền văn hóa XHCN một cách toàn diện. Trong đó dân trí xã hội từng bước được nâng cao, con em các dân tộc có điều kiện học hành phát triển.

Về quốc phòng - an ninh : Đảng bộ huyện Lang Chánh đã chú trọng lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, chi viện cho các chiến trường khi Tổ quốc kêu gọi. Lực lượng dân quân I, dân quân II được biên chế tổ chức chặt chẽ, được huấn luyện chính trị quân sự và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng. Đại đội bộ đội địa phương huyện được bổ sung thêm biên chế và trang thiết bị tích cực huấn luyện quân sự sẵn sàng chiến đấu. Năm 1963, Mỹ - Ngụy tung biệt kích ra miền Bắc do thám, phá hoại thành quả xây dựng XHCN. Một số gián điệp, biệt kích vượt biên giới Lào - Việt vào nội địa. Một số phần tử xấu tiến hành phao tin đồn nhằm tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cái gọi là “Đảng cách mạng quốc gia” đã tập hợp bọn phản động âm mưu tạo phản. Quyết bảo vệ vững chắc vùng biên giới, giữ vững an ninh chính trị, Huyện ủy đã tăng cường lực lượng quân sự cho các xã Yên Khương và Lê Lai trấn áp bọn phản động. Chính quyền các xã Yên Khương và xã Lê Lai đã kịp thời tập trung các đối tượng chính trị, các đối tượng của tiền án, tiền sự, học tập cải tạo. Các tổ chức chính trị và lực lượng vũ trang địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và giúp đỡ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện các biện pháp sắc bén: an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới và nội địa được củng cố vững chắc, nhân dân trong huyện yên tâm lao động sản xuất xây dựng quê hương.

Tháng 3 - 1964, nhằm cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, Tổng thống Mỹ Giôn Xơn đã phê chuẩn Kế hoạch Đề Xô Tô, dùng Hạm đội 7 tuần tiễu ngăn chặn sự tiếp tế bằng đường biển của miền Bắc XHCN cho miền Nam ruột thịt. Trung tuần tháng 4 - 1964, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc.

Kịp thời ứng phó với tình hình, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề ra kế hoạch hướng dẫn công tác phòng không nhân dân. Ngày 27 và 28 - 4 - 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị đặc biệt, Người khẳng định: Nếu giặc Mỹ liều lĩnh đụng đến miền Bắc thì chúng sẽ thất bại, Người kêu gọi quân dân miền Bắc phấn đấu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và sẵn sàng đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Quân ủy Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ra Chỉ thị cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đề cao cảnh giác sẵn sàng đập tan mọi hành động khiêu khích phá hoại của Mỹ - Ngụy và ngăn chặn kịp thời hành động chống phá của bọn phản động.

Quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Lang Chánh đã chỉ đạo các Đảng bộ, các cấp chính quyền, đoàn thể tích cực xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân sẵn sàng chiến đấu. Cùng với nhiệm vụ tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ, Huyện đội đã tiến hành thống kê, kiểm tra, tổ chức quản lý lực lượng quân dự bị trên địa bàn kịp thời ứng phó với tình hình mới.

Về chính trị : Nhiệm vụ cơ bản tập trung vào công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu tổ chức lãnh đạo đồng bào các dân tộc đoàn kết phấn đấu cải tạo xây dựng CNXH, góp phần chống Mỹ, cứu nước.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tổ chức chỉ đạo toàn dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do tỉnh và huyện phát động, quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Đó là: các phong trào thi đua làm thủy lợi, làm phân bón, thi đua ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thi đua học tập đuổi kịp và vượt HTX Đại Phong... Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, Đảng bộ đã lựa chọn bồi dưỡng hàng trăm nhân tố mới tạo nguồn kết nạp lớp đảng viên 61. Trong thời gian này, Đảng bộ đã mở lớp bồi dưỡng cho 63 đối tượng Đảng (là những đoàn viên ưu tú có trình độ văn hóa cấp I và cấp II) và kết nạp 41 đảng viên mới, trong đó có 7 đảng viên thuộc khối cơ quan huyện, 8 đảng viên là nữ.

Xây dựng Đảng bộ vững mạnh là nhân tố đảm bảo cho hệ thống chính quyền, mặt trận, đoàn thể quần chúng, hệ thống HTX phát triển vững chắc. Đảng bộ đã tăng cường những cán bộ đảng viên có năng lực, phẩm chất và trung thành với sự nghiệp cách mạng, xuất thân từ thành phần chính trị tốt nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Năm 1960, cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, Đảng bộ đã kịp thời đào tạo, bồi dưỡng và phân công đồng chí Lê Văn Ắn, Phó Bí thư Huyện ủy thay ông Lê Xuân Biêng làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện, đồng thời phân công nhiều đảng viên của Đảng nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước từ huyện đến xã.

Năm 1961, tiến hành bầu cử HĐND các cấp, Đảng bộ đã chỉ đạo bầu cử đúng thành phần cơ cấu, đảm bảo cho bộ máy Nhà nước có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện thắng lợi đường lối chủ trương của Đảng. Năm 1962, Đảng bộ tiếp tục chỉ đạo củng cố hệ thống chính quyền. Một số cán bộ vi phạm kỷ luật, thiếu năng lực trình độ, thành phần xuất thân là lang đạo được thay thế bằng lớp cán bộ trẻ được đào tạo hệ thống và xuất thân từ thành phần cơ bản... Nhờ đó, chính quyền các cấp có đủ năng lực tổ chức điều hành công cuộc cải tạo xây dựng CNXH.

Đoàn Thanh niên - cánh tay đắc lực của Đảng, được Đảng bộ quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Nhờ đó, 1.812 đoàn viên thanh niên toàn huyện đã tích cực học tập, lao động sản xuất, xây dựng, bảo vệ quê hương bằng các phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp đem lại hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội to lớn. Tiêu biểu là Đoàn Thanh niên các xã: Lê Lai, Quyết Thắng, Tân Phúc, Đồng Lương và xã Yên Khương. Bằng sự nỗ lực phấn đấu hàng trăm đoàn viên ưu tú đã được lựa chọn bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

Đầu năm 1962, Đảng bộ tổ chức học tập những điều chỉ dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Người vào thăm và làm việc với Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa lần thứ 4 (từ ngày 10 đến ngày 12 - 12 - 1961). Huyện ủy đã tích cực tổ chức chỉ đạo Đảng bộ, nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập, xây dựng quê hương Lang Chánh ngày thêm giàu đẹp, góp phần xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về việc củng cố phát triển mở rộng cơ sở Đảng, xóa điểm trắng không có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và đảng viên trong các HTX; năm 1962, Đảng bộ huyện tiếp tục kết nạp 21 đảng viên mới, năm 1963 kết nạp thêm 23 đảng viên mới. 

Tuy nhiên, trong năm 1962, số lượng đảng viên trung bình, yếu kém chiếm tỷ lệ khá cao (đảng viên trung bình đạt 28,8%, đảng viên yếu kém đạt 22,8%, trong đó có 20 đảng viên bị xử lý kỷ luật). Do nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng còn bị hạn chế, các chi bộ chưa lấy trọng tâm lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ chủ yếu, sinh hoạt không thường xuyên, tinh thần tự phê bình và phê bình còn yếu. Đến năm 1963, do đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, tinh thần phấn đấu của cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng được nâng cao, nhờ đó tỷ lệ đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng chiếm tỷ lệ trung bình và yếu kém giảm xuống đáng kể. Theo phân loại đảng viên “4 tốt” đạt loại khá 52,7%, đạt loại trung bình 22,7%, loại yếu kém còn 2,3%.

Trong những năm 1963 - 1964, Huyện ủy chỉ đạo toàn Đảng bộ sắp xếp kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng đáp ứng yêu cầu tổ chức lãnh đạo các HTX trên địa bàn toàn huyện. Trong thời gian này, các chi bộ xã khối nông thôn được tổ chức thành 62 tổ Đảng, mỗi tổ Đảng lãnh đạo 1 HTX nông nghiệp. Riêng xã Lê Lai được tách thành 2 xã (theo quyết định của Chính phủ) là xã Tam Văn và xã Lâm Phú. Sau khi tách xã, chi bộ xã Lê Lai được chia thành 2 chi bộ: chi bộ xã Tam Văn và chi bộ xã Lâm Phú. Từ khi tách thành 2 đơn vị, các xã Tam Văn, Lâm Phú hoạt động thuận lợi hơn.

Cùng với xây dựng Đảng về tổ chức, Đảng bộ đã kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, Đảng bộ đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập đường lối cách mạng XHCN và đường lối chống Mỹ cứu nước do Đại hội lần thứ III của Đảng đề ra, tổ chức học tập chủ trương nghị quyết của Đảng các cấp, tổ chức cho cán bộ đảng viên học tập bổ túc văn hóa nâng cao trình độ và đặt chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm học 1 lớp. Cùng với học văn hóa, Huyện ủy mở các lớp bồi dưỡng lý luận, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý HTX nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ. Nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt được cử đi đào tạo tại Trường Đảng Hoàng Văn Thụ của tỉnh. Do được thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, chất lượng của cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng được từng bước được nâng lên.

Mười năm hòa bình (1955 - 1965), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Lang Chánh, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tạo ra tiềm lực to lớn về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của chế độ mới, góp phần cùng nhân dân cả tỉnh đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, xây dựng bảo vệ hậu phương, chi viện cho các chiến trường giành thắng lợi ngày càng to lớn.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-28/7c25d4fa8c61c7ddANH%20LICH%20SU%20DANG%20BO%201.jfif

CHUYỂN HƯỚNG CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, CHI VIỆN TIỀN TUYẾN, GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC (1965 - 1975)       

Chuyển hướng chỉ đạo từ thời bình sang thời chiến (1965 - 1968)

Sau những thất bại liên tiếp của quân đội và chính quyền Sài Gòn, cái gọi là chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà đế quốc Mỹ nuôi nhiều hy vọng đã hoàn toàn sụp đổ. Trước thực trạng đó, đế quốc Mỹ hoặc phải bỏ rơi chính quyền tay sai, chấp nhận sự thất bại ở miền Nam, hoặc phải đưa quân Mỹ và chư hầu vào tham chiến tiếp sức cho quân đội và chính quyền Sài Gòn khỏi sụp đổ. Với bản chất hiếu chiến, Tổng thống Mỹ Giôn Xơn đã quyết định tiến hành “Chiến tranh cục bộ” đưa nửa triệu quân Mỹ vào miền Nam, đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Trước sự thay đổi về chiến lược chiến tranh và sự phức tạp của tình hình, Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ cho hai miền Nam, Bắc như sau: Phải sử dụng các giải pháp sắc bén kiềm chế và đánh thắng hoàn toàn chiến tranh đặc biệt trong thời gian ngắn nhất, đồng thời đánh thắng chiến tranh cục bộ. Tiếp tục xây dựng miền Bắc, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh cục bộ nếu chúng mở ra cả hai miền. Tiếp tục huy động lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam và giúp cách mạng Lào. Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn và trực tiếp chống chiến tranh phá hoại, vì vậy phải chuyển hướng phát triển kinh tế, văn hóa ở miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, chuyển hướng công tác tư tưởng và tổ chức đảm bảo yêu cầu vừa sản xuất, vừa chiến đấu với khẩu hiệu “Xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc”.

Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ là địa bàn chiến lược trọng yếu, đế quốc Mỹ xem Thanh Hóa là trọng điểm đánh phá của máy bay và tàu chiến. Vì vậy, từ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đế quốc Mỹ liên tục cho máy bay do thám bầu trời Thanh Hóa, do thám các tuyến đường giao thông chiến lược, các khu vực quân sự và kinh tế tập trung... Để kịp thời đối phó với tình hình mới, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã sáng suốt tổ chức chỉ đạo chuyển hướng phát triển kinh tế, văn hóa, giao thông vận tải từ thời bình sang thời chiến và tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân sẵn sàng đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Là một huyện có vị trí chiến lược trọng yếu, lại có đường chiến lược 15A - con đường huyết mạch nối Lang Chánh với các huyện trong tỉnh, nối miền Tây Thanh Hóa với thủ đô kháng chiến Lào (Sầm Nưa - Hủa Phăn). Do vậy, giặc Mỹ nhiều lần cho máy bay đánh phá cầu, cống, kho tàng, đánh phá phương tiện giao thông vận tải nhằm ngăn cản sự chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và cho cách mạng Lào.

Năm 1965, Đảng bộ huyện Lang Chánh tiến hành Đại hội lần thứ VI. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 10 đồng chí, đồng chí Trịnh Ban được bầu làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Lê Văn Ắn - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND. Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ như sau:

Một là, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức xây dựng lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu tác chiến tại chỗ, đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, hàng hóa, kho tàng Nhà nước, bảo vệ vững chắc vùng biên giới quốc gia thuộc khu vực huyện Lang Chánh, đảm bảo công tác giao thông vận tải thông suốt liên tục trên tuyến đường 15A - tuyến đường huyết mạch của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, chi viện cho chiến trường Lào.

Hai là, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, ổn định và từng bước cải thiện đời sống về vật chất và tinh thần của nhân dân; làm tròn nghĩa vụ lương thực và thực phẩm đối với Nhà nước; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Ba là, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính quyền, mặt trận, đoàn thể quần chúng có đủ phẩm chất, năng lực tổ chức lãnh đạo mọi tầng lớp nhân dân xây dựng bảo vệ hậu phương, chi viện cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của cho tiền tuyến.

Về kinh tế, Đại hội xác định mục tiêu phấn đấu cho những năm tới như sau:

1. Phấn đấu tự túc lúa trong nhân dân toàn huyện (kể cả nhân khẩu phi nông nghiệp) để dư phần hoa màu bán cho Nhà nước. Muốn vậy, phải phấn đấu đưa năng suất lên 1.500kg/mẫu, mỗi HTX phải khai hoang mở rộng diện tích thêm 20 mẫu, phấn đấu mở rộng diện tích trồng ngô, trồng sắn.

2. Đẩy mạnh chăn nuôi, mỗi hộ nuôi 2 con lợn thịt, 20 con gà vịt, phát triển chăn nuôi tập thể, phát triển đàn trâu bò. Phát động toàn huyện học tập kinh nghiệm chăn nuôi của HTX Khoan Hồng (Hậu Lộc).

3. Hoàn thành chỉ tiêu khai thác lâm sản, kết hợp với bảo vệ rừng, trồng rừng và trồng luồng. Công hữu triệt để luồng và kinh doanh cây luồng.

4. Phấn đấu đưa phần thu nhập của xã viên trong lĩnh vực kinh tế tập thể lên 60%, hạ mức thu nhập gia đình từ 80% xuống 40% so với tổng mức thu nhập của gia đình xã viên (thời kỳ này kinh tế phụ của gia đình xã viên chiếm 80%, kinh tế HTX chỉ chiếm 20% tổng số thu nhập trong 1 hộ gia đình). Đẩy mạnh công tác thủy lợi trên địa bàn toàn huyện, tích cực xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong các HTX.

5. Phân bố lại lao động hợp lý trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, thành lập các đội chuyên ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cày bừa làm đất, làm phân bón, sử dụng vôi, phòng chống sâu bệnh. Phấn đấu mỗi xã viên đạt 170 ngày công lao động trong năm.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Huyện ủy đã tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; nâng cao chất lượng lãnh đạo, điều hành, quản lý, đẩy mạnh các phong trào thi đua “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “tay bút, tay súng”, vừa sản xuất vừa chiến đấu và đảm bảo giao thông vận tải chi viện cho tiền tuyến.

Kiên quyết đánh trả máy bay giặc Mỹ, đảm bảo giao thông vận tải bảo vệ hàng hóa phương tiện Nhà nước, tính mạng, tài sản nhân dân, Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng 8 trung đội dân quân trực chiến, phối hợp với bộ đội phòng không xây dựng trận địa chiến đấu bảo vệ các mục tiêu giao thông vận tải, kinh tế, quân sự... xây dựng các trung đội đảm bảo giao thông sẵn sàng sửa đường, sửa cầu, cứu chữa phương tiện, hàng hóa khi máy bay địch đánh phá. Công tác phòng không nhân dân được tiến hành khẩn trương và hiệu quả. Ban phòng không huyện đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện các phương án phòng không sơ tán. Tất cả các cơ sở kinh tế, trường học, bệnh viện trong khu vực thị trấn và các khu vực trọng điểm được tổ chức sơ tán về vị trí an toàn. Các địa phương trong huyện đã đào đắp hàng chục km giao thông hào, 6.643 hầm cá nhân, hàng ngàn hầm chữ A trong các cơ quan, trường học, doanh trại và trên các tuyến đường giao thông. Hệ thống trường học được đào đắp xây dựng thành lũy bảo vệ, học sinh đến trường phải đội mũ, mặc áo ngụy trang... Tính đến đầu năm 1966, công tác phòng tránh máy bay địch đánh phá đã đi vào nền nếp.

Từ tháng 3 năm 1965, giặc Mỹ cho máy bay đánh phá thăm dò lực lượng phòng không của ta ở một số trọng điểm trong tỉnh. Sáng ngày 3 và 4 - 4 - 1965 địch cho máy bay đánh phá khu vực Lèn và một số nơi trong tỉnh; đến 13 giờ cùng ngày chúng sử dụng hàng trăm tốp máy bay đánh phá cầu Hàm Rồng. Ngày 4 - 4, chúng tiếp tục đánh phá cầu Hàm Rồng và chặn đánh đơn vị pháo 57 ly chi viện cho Hàm Rồng đang hành quân trên tuyến Quốc lộ I (Tĩnh Gia - Quảng Xương). Quyết bảo vệ cầu Hàm Rồng, quân và dân Thanh Hóa đã chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi 47 máy bay phản lực của giặc Mỹ làm nức lòng nhân dân cả nước.

Thi đua với Hàm Rồng lập chiến công, các đơn vị dân quân tích cực tập luyện bắn máy bay giặc Mỹ bằng súng bộ binh và tổ chức trận địa chiến đấu, phối hợp với bộ đội pháo cao xạ bắn rơi máy bay giặc Mỹ. Thi đua với các trung đội dân quân trực chiến xã: Minh Khôi, Hoa Lộc, Thanh Thủy, Hoằng Trường, Phú Lệ... các trung đội dân quân trực chiến huyện Lang Chánh đã phối hợp với bộ đội chiến đấu anh dũng bảo vệ tuyến đường 15A. Trong chiến đấụ đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm kiên cường được Đảng bộ, nhân dân toàn huyện ghi nhận. Đó là, Trung đội dân quân trực chiến xã Trí Nang, trung đội dân quân trực chiến xã Yên Khương, xã Quang Hiến lập nhiều thành tích xuất sắc được công nhận là đơn vị “Quyết thắng” cấp Quân khu.

Những năm 1965 - 1968, trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc và Thanh Hóa trở thành một trọng điểm đánh phá của địch, toàn huyện đã đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất và thu được thành quả to lớn. Phong trào làm phân bón trong các HTX, đi đầu là thanh niên và dân quân đã góp phần nâng cao năng suất lúa, hoa màu. Năm 1966, toàn huyện làm được 11.600 tấn phân hữu cơ, đến năm 1967 làm được 13.000 tấn. Việc chống chua phèn bằng vôi đã làm cho đồng ruộng thêm màu mỡ, tăng năng xuất cây trồng. Năm 1965, toàn huyện chỉ sử dụng 230 tấn vôi, đến năm 1967 đã sử dụng 460 tấn vôi để chống chua phèn. Việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm bón, trong thời vụ được kết hợp và thực hiện đồng bộ, nhờ đó diện tích canh tác đảm bảo, năng suất cây trồng cao hơn. Đến năm 1967, năng suất lúa và hoa màu trên địa bàn huyện vượt năm 1966 là 34%, riêng lúa vượt 26%. Năm 1965, toàn huyện chỉ có 1 HTX được tỉnh công nhận đạt danh hiệu tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; đến năm 1966, có 8 HTX tiên tiến; năm 1967 có 35 HTX (chiếm 42% tổng số HTX trong huyện) đạt danh hiệu tiên tiến vì đạt năng suất lúa từ 20 đến 27 tạ/mẫu. Riêng HTX Chiềng Khạt được UBND tỉnh tặng một số hiện vật có giá trị 1.000 đồng.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp được đẩy mạnh hơn. Để có đủ số lượng luồng, nứa, gỗ phục vụ công tác giao thông vận tải thời chiến trên địa bàn toàn tỉnh, Huyện ủy đã tích cực huy động lực lượng khai thác lâm sản. Lực lượng thanh niên mạnh khỏe tòng quân nhập ngũ chiến đấu và công tác trên các chiến trường; ở lại hậu phương còn lại chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến chiến thắng”, chị em phụ nữ trong huyện đã đảm đương việc khai thác lâm sản nặng nhọc và nguy hiểm. Ngày ngày bền bỉ, đảm đang, chị em phụ nữ Lang Chánh đã khai thác hàng trăm bè luồng, bè gỗ, bè nứa để kịp thời vận chuyển về xuôi làm cầu, làm phà, làm kho trạm, đan thuyền cung cấp cho “Binh đoàn thuyền nan” của tỉnh. Hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Lang Chánh quả cảm, đảm đang khai thác lâm sản phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đã đi vào văn học, đã trở thành hình tượng trong văn học sống mãi với quê hương đất nước:

“Gái Lang Chánh dao gài sau dón

Sớm chặt luồng chiều cuốn sông Âm”

Chiến tranh phá hoại diễn ra ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ tập trung máy bay, tàu chiến đánh phá các mục tiêu giao thông vận tải nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN cho miền Nam ruột thịt. Vì vậy, các loại phương tiện vận chuyển cơ giới, vận chuyển đường biển hư hỏng nhiều, khả năng hoàn thành kế hoạch vận chuyển hàng hóa vào tuyến lửa là khó khăn. Tỉnh ủy quyết định tổ chức binh đoàn thuyền nan và binh đoàn xe đạp thồ chuyển hàng vào tuyến lửa. Một lần nữa, Đảng bộ, nhân dân huyện Lang Chánh được giao nhiệm vụ khai thác luồng, nứa để sản xuất hàng ngàn thuyền nan có trọng tải từ 1 - 2 tấn. Binh đoàn thuyền nan chống Mỹ cứu nước với số lượng 5.000 chiếc luồn lách trên sông đào (sông nhà Lê) chuyển lương thực, vũ khí, hàng hóa cho các tỉnh phía Nam, cho các chiến trường B, C. Từ năm 1968, binh đoàn thuyền nan mang tên “Đoàn Vận tải Lam Sơn”, được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Binh đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong thành tích của cả tỉnh, chị em phụ nữ Lang Chánh có đóng góp quan trọng.

Bốn năm chiến đấu kiên cường và anh dũng, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 276 máy bay, bắn cháy 26 tàu chiến, bắn chìm 5 tàu biệt kích của giặc Mỹ buộc Tổng thống Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc vào ngày 01 - 11 -  1968. Trong niềm vui chung của quân, dân cả tỉnh, Đảng bộ, nhân dân Lang Chánh ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-12-28/8de8870934869e8dLICHI%20SI%20%C4%90F%20MOI.jpg

Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (1969 - 1975)

Năm 1968, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ hoàn toàn sụp đổ, nhưng với bản chất phản động hiếu chiến chúng vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh ở miền Nam bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đó là sự tiếp tục chiến tranh ở cường độ quyết liệt đẫm máu, chỉ khác là sự “Thay đổi màu da trên xác chết”.

Đối phó với tình hình mới, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho quân, dân hai miền Nam - Bắc. Ngày 01 - 01 - 1969, nhân dịp năm mới Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu gửi thư chúc đồng bào, chiến sĩ cả nước “Năm mới đoàn kết, chiến đấu thắng lợi”. Người viết:

“Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào,

Tiến lên chiến sĩ   đồng bào,

Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”

Tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp xây dựng bảo vệ CNXH và chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi ngày càng to lớn trên địa bàn toàn huyện, tháng 4 - 1969, Đảng bộ huyện Lang Chánh tiến hành Đại hội lần thứ VII, đánh giá thành tích trong những năm chống chiến tranh phá hoại, xác định phương hướng, nhiệm vụ mới và đẩy mạnh thi đua thực hiện những điều Bác Hồ dạy.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 16 đồng chí, đồng chí Lê Văn Ắn được bầu làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Lữ Văn Ứa làm Phó Bí thư. Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ như sau:

Giữa lúc quân và dân trên cả hai miền Nam - Bắc đang đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng thì được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từ trần vào hồi 9 giờ 47 phút ngày 02 - 9 - 1969, hưởng thọ 79 tuổi. Trước khi qua đời, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bản Di chúc thiêng liêng. Đảng bộ, nhân dân Lang Chánh cùng cả tỉnh, cả nước trọng thể tổ chức truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, Đảng bộ, nhân dân Lang Chánh nguyện phấn đấu hy sinh thực hiện lý tưởng cách mạng của Người thắng lợi.

Tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, tháng 10/1970, Đảng bộ huyện Lang Chánh tiến hành Đại hội lần thứ VIII, bổ sung mục tiêu, giải pháp tiếp tục công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân tộc chống Mỹ cứu nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 13 đồng chí, đồng chí Hà Trọng Hào được bầu làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Phạm Văn Cướn là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND. Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ như sau:

Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Tập trung tinh thần và lực lượng, sức người, sức của phục vụ các chiến trường A, B, C, K góp phần chống Mỹ cứu nước thắng lợi.

2. Tập trung mọi lực lượng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt mục tiêu 5 tấn, 2 con lợn, 0,8 ha gieo trồng/lao động; tự túc được lương thực trên địa bàn và có đủ số lượng lương thực, thực phẩm làm tròn nghĩa vụ Nhà nước. Đẩy mạnh sản xuất lâm nghiệp và xem nhiệm vụ trồng luồng trong các HTX là nhiệm vụ chính trị để mở rộng diện tích luồng trên địa bàn toàn huyện.

3. Phát triển văn hóa - xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Để thực hiện thắng lợi phương hướng nhiệm vụ mà Đại hội đề ra, cần phải quán triệt sâu sắc và đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng (cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về khoa học kỹ thuật, cách mạng về tư tưởng văn hóa) lấy cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt, phát động các phong trào cách mạng liên tục sôi nổi hướng vào thực hiện 4 phong trào lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra. Đó là: phong trào tòng quân nhập ngũ; phong trào làm thủy lợi; phong trào chăn nuôi và làm phân bón; phong trào học tập ứng dụng khoa học kỹ thuật, học tập văn hóa chuyên môn nghiệp vụ...

Tiếp tục thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng “Xây dựng CNXH và chống Mỹ cứu nước”, tháng 4 - 1972, Đảng bộ huyện tổ chức Đại hội lần thứ IX. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 17 đồng chí. Đồng chí Hà Trọng Hào được bầu làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Phạm Văn Cướn là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND.

Đại hội làm rõ thêm một số quan điểm về phát triển nông nghiệp, chăn nuôi và quyết tâm đưa sản xuất lâm nghiệp thành ngành sản xuất chính trong các HTX. Đại hội đặt ra một số mục tiêu cụ thể trong công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện tiền tuyến.

Về phương hướng phát triển kinh tế, Đại hội chỉ rõ : Phải nâng cao nhận thức về việc phát triển ngành chăn nuôi, phấn đấu đưa chăn nuôi lên ngành sản xuất chính là yêu cầu tất yếu của toàn xã hội. Những năm tới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cả về chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi gia súc, nâng cao cả về tổng đàn và trọng lượng, đáp ứng yêu cầu làm nghĩa vụ cho Nhà nước cả về lương thực, thực phẩm, đáp ứng yêu cầu cải thiện đời sống nhân dân.

Về văn hóa - xã hội,  Đại hội chỉ rõ: Phải quán triệt đầy đủ và thực hiện đồng thời 3 cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt. Tích cực phát triển giáo dục, y tế, văn hóa nâng cao dân trí xã hội, đào tạo nhân lực và nhân tài cho giai đoạn cách mạng tiếp theo. Đẩy mạnh cuộc vận động định canh định cư kết hợp với xây dựng HTX, chống đốt phá rừng bừa bãi, phát triển sản xuất lâm nghiệp.

Về quốc phòng - an ninh và chi viện cho tiền tuyến.  Đại hội chỉ rõ: Phải tích cực xây dựng lực lượng bảo vệ vùng biên giới, sẵn sàng chiến đấu tại chỗ và chi viện cho các chiến trường.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, Đại hội IX, Huyện ủy đã đề ra nhiều chủ trương giải pháp sắc bén tổ chức lãnh đạo nhân dân toàn huyện tiến hành các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi rộng lớn, tiếp tục thực hiện thắng lợi đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.

Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Đảng bộ, nhân dân Lang Chánh đã tổ chức khai thác vận chuyển khối lượng luồng, gỗ, nứa khá lớn đáp ứng yêu cầu giao thông vận tải chống Mỹ cứu nước. Hòa bình lập lại, yêu cầu khai thác lâm sản phục vụ công cuộc tái thiết lại quê hương đòi hỏi ngày càng lớn. Trong khi đó vốn rừng ngày càng cạn kiệt, yêu cầu khôi phục phát triển rừng ngày càng trở nên cấp thiết; vì vậy, Huyện ủy đã tích cực chỉ đạo hệ thống HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện tập trung lực lượng, điều kiện tu bổ phát triển rừng và tích cực trồng luồng.

Trong các năm 1969 - 1971, các HTX đã xây dựng vườn ươm giống và tập trung 20% lực lượng lao động vào công cuộc trồng luồng, trồng rừng. Các chi bộ trong các xã có luồng đã dành riêng 1/3 tổng số đảng viên để chăm lo chỉ đạo, lãnh đạo công tác phát triển lâm nghiệp. Riêng năm 1971, toàn huyện đã trồng mới nhiều đồi luồng với tổng diện tích gấp 3 lần năm 1970 (gần l.000 ha luồng) và tu bổ 444 ha luồng. Để đáp ứng yêu cầu lâm sản cung cấp cho tỉnh, năm 1971 toàn huyện đã khai thác vượt kế hoạch (riêng luồng đạt 107%, nứa đạt 135%, gỗ đạt 145% kế hoạch). Trong những năm 1973 - 1975, yêu cầu về lâm sản vẫn lớn, nhưng Huyện ủy chủ trương hạn chế việc khai thác và tập trung lực lượng trồng rừng và trồng luồng. Năm 1973, toàn huyện trồng mới 1.560 ha luồng. Năm 1974, Ủy ban tỉnh thành lập Lâm trường Luồng Lang Chánh, công nhân chủ yếu là lực lượng thanh niên xung phong; nhờ đó, diện tích trồng luồng tăng nhanh, trong năm  trồng mới được 1.200 ha; 6 tháng đầu năm 1975 trồng mới gần 200 ha. Nét mới là đã tiến hành công tác quy hoạch rừng. Ngân hàng đã cho các HTX vay vốn trồng luồng theo quy hoạch và được phép trả nợ sau 5 năm (khi luồng có thu hoạch).  Rừng luồng được chăm sóc bảo vệ quy củ. Việc khai thác luồng phải tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật để hạn chế sự thiệt hại; các HTX Đồng Lương, Tân Phúc, Trí Nang, Quang Hiến... không chỉ trồng hàng trăm ha luồng mà còn mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, nhiều nhất là trồng chuối, trồng dứa.

Do nhận thức đúng vị trí cây luồng trong nền kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện chỉ đạo toàn dân tích cực trồng luồng, nên diện tích rừng luồng huyện Lang Chánh ngày càng được mở rộng, sản lượng luồng được nâng lên, đời sống xã viên các HTX được cải thiện. Trong thành tích trồng luồng, cuối năm 1974, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã khen ngợi Đảng bộ, nhân dân Lang Chánh và tặng HTX Chiếu Bang lẵng hoa. Phần thưởng cao quý đó đã tiếp thêm động lực để Đảng bộ, nhân dân huyện Lang Chánh tiếp tục phát động phong trào trồng luồng, trồng rừng sôi nổi rộng khắp đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn.

Năm 1972, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Đảng bộ huyện Lang Chánh đã chỉ đạo các cấp chính quyền kết hợp với mặt trận tiến hành công cuộc vận động “định canh định cư”. Cuộc vận động “định canh, định cư” mang ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội to lớn nhằm xóa bỏ tập quán “du canh, du cư” tồn tại bao đời nay trong đồng bào một số dân tộc, nhằm hạn chế đi đến xóa bỏ việc đốt phá rừng làm nương rẫy bừa bãi, cải thiện từng bước đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhân dân... Quán triệt sâu sắc mục đích ý nghĩa làm cho nhân dân hiểu rõ tập quán lạc hậu, từ bỏ “du canh, du cư” tiến hành “định canh, định cư” là cuộc vận động đầy gian khổ khó khăn, nhưng bằng các giải pháp đúng đắn và cương quyết, công cuộc vận động định danh định cư trên địa bàn toàn huyện đạt kết quả mới. Một bộ phận dân cư ở các xã Tân Phúc, Giao An, Yên Khương, Lâm Phú... đã chủ động tổ chức lại sản xuất, ổn định diện tích sản xuất nông nghiệp, ổn định nơi cư trú, nghiêm cấm việc phá rừng đốt nương làm rẫy bừa bãi. Đúc rút kinh nghiệm ở những địa phương nói trên, Huyện ủy đã chỉ đạo tiến hành vận động “định canh, định cư” trên địa bàn toàn huyện. Cuộc vận động “định canh, định cư” đem lại kết quả to lớn, hàng trăm hộ nông dân ổn định nơi cư trú, tập trung lực lượng lao động, cơ sở vật chất phát triển kinh tế HTX. Công cuộc “định canh, định cư” đã tác động đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Các HTX trong huyện nhờ “định canh, định cư” đã có điều kiện thuận lợi chuyển lên quy mô lớn. Ủy ban Hành chính tỉnh đã khen ngợi phong trào “định cạnh định cư” huyện Lang Chánh và tặng Bằng khen cho các xã: Giao An, Tân Phúc, Lâm Phú. Công cuộc vận động "định canh, định cư" được tiếp tục tiến hành trong những năm tiếp theo.

Công tác thủy lợi được tiến hành mạnh mẽ. Hệ thống mương, phai, hồ, đập được tu sửa nâng cấp và làm mới ở nhiều vùng trong huyện từng bước đáp ứng yêu cầu tưới tiêu. Các HTX tổ chức lực lượng làm phân bón, diện tích bón phân được mở rộng. Các biện pháp khoa học kỹ thuật được áp dụng sâu rộng trong sản xuất, phong trào thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh. Nhờ đó, năng suất, sản lượng lúa và hoa màu tăng lên theo các năm. Năm 1974, sản lượng lúa vụ mùa tăng hơn vụ mùa năm 1973 là 12%, 39 HTX trong huyện sản lượng lúa tăng từ 20 - 40%; đàn trâu bò tăng 2,3%, đàn bò tăng 6,1%, đàn lợn tăng 10%; so với năm 1973 nét mới trong chăn nuôi là các HTX đã tích cực xây dựng chuồng trại, dành quỹ đất, phân công lực lượng lao động tiến hành chăn nuôi tập thể. Phương thức chăn nuôi tập thể đã đem lại kết quả mới.

Hệ thống HTX mua bán và mậu dịch quốc doanh đã ra sức khắc phục khó khăn, tích cực khai thác vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống cán bộ, bộ đội, đồng bào các dân tộc trong huyện. Mặc dù điều kiện chiến tranh ác liệt, hàng hóa khan hiếm nhưng với tinh thần phấn đấu tích cực của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác lưu thông phân phối, các mặt hàng hóa thiết yếu vẫn đến tay người tiêu dùng.

Công tác giao thông vận tải phục vụ sản xuất, chiến đấụ được đẩy mạnh. Hệ thống hầm hào, đường tránh, đường rẽ tuyến đường 15A được đào đắp kịp thời. Hệ thống đường giao thông trong huyện được sửa chữa nâng cấp. Các tuyến đường đi Chiếu Bang và đi Tam Văn được làm mới.

Trong điều kiện thời chiến, Đảng bộ quan tâm lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong huyện phát triển văn hóa - xã hội. Hệ thống trường giáo dục phổ thông được xây dựng và mở rộng. Các xã đã xây dựng trường phổ thông cấp I và cấp II. Năm 1967, huyện xây dựng trường phổ thông cấp II, III. Trong những năm đầu trường chỉ có một số lớp 8, lớp 9 và lớp 10, số lượng học sinh và giáo viên tăng lên, chất lượng giảng dạy, học tập được tăng cường. Công tác bổ túc văn hóa được đẩy mạnh. Nhân dân đã có trình độ lớp 1, lớp 2, cán bộ các cấp phần lớn theo học cấp II (lớp 5, lớp 6, lớp 7), nhiều người được cử đi học các trường trung cấp và đại học. Các trường ở xã Yên Khương và Tân Phúc là những đơn vị đạt danh hiệu “Trường lao động XHCN” dẫn đầu phong trào giáo dục toàn huyện.

Công tác y tế, thể dục thể thao tiếp tục được phát triển. Bệnh viện huyện nâng quy mô lên 50 giường bệnh, đội ngũ y tá, y sĩ, bác sỹ tăng thêm. Hệ thống trạm xá xã được củng cố phát triển mở rộng và đã chữa trị nhiều căn bệnh thông thường và thật sự trở thành hạt nhân của công tác y tế ở nông thôn...

Có thể khẳng định: mặc dù chiến tranh, kinh tế còn khó khăn nhưng Đảng bộ đã quan tâm lãnh đạo phát triển văn hóa - xã hội. Nhờ đó, trình độ dân trí được nâng lên từng bước; đồng bào các dân tộc có điều kiện học tập, chữa bệnh, tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đẩy lùi tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới vui tươi lành mạnh, tạo ra nền tảng tinh thần vững chắc ở hậu phương, góp phần động viên toàn dân xây dựng, bảo vệ quê hương chống Mỹ cứu nước.

Nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới, bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được chú trọng. Đảng bộ đã thực thi nhiều giải pháp sắc bén xây dựng củng cố lực lượng, giáo dục, giác ngộ, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, trấn áp bọn tội phạm - theo dõi các phần tử nghi vấn, các đối tượng có tiền án, tiền sự, lực lượng vũ trang ngày đêm tuần tra canh gác bảo vệ quê hương, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân, phối hợp giúp đỡ bộ đội xây dựng trận địa, xây dựng phòng tuyến sẵn sàng đập tan mọi âm mưu thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.

Nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường A, B, C, K được tiến hành khẩn trương. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đảng bộ, nhân dân huyện Lang Chánh đã làm nghĩa vụ cho Nhà nước hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, khai thác vận chuyển cung cấp hàng triệu cây luồng, nứa, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ các đơn vị bộ đội, các cơ quan của tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn. Đảng bộ và nhân dân Lang Chánh đã tích cực vận động thanh niên nam, nữ tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tổ chức lực lượng vận chuyển lương thực, hàng hóa vào tuyến lửa. Từ năm 1969 đến năm 1975, mỗi năm huyện Lang Chánh huy động từ 200 - 300 thanh niên tham gia bộ đội. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, toàn huyện đã huy động thần tốc 220 chiến sĩ tăng cường cho chiến trường góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đối với cách mạng Lào, Đảng bộ, nhân dân Lang Chánh không chỉ góp phần bảo vệ giúp đỡ nhân dân bạn ở khu vực biên giới mà còn cử hàng chục cán bộ làm chuyên gia cố vấn giúp bạn trên nhiều lĩnh vực được Đảng và Nhà nước Lào tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Đó là các đồng chí Hà Văn Kế, Lê Phi Chính, Ngân Văn Tẳm, Hà Văn Giảng, Hà Văn Khíu... Cùng với chuyên gia cố vấn, hàng trăm thanh niên Lang Chánh đã tham gia bộ đội tình nguyện, thanh niên tình nguyện chiến đấu, công tác trên đất bạn lập nhiều thành tích xuất sắc.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Lang Chánh đã có bước trưởng thành vượt bậc trong thực tiễn cách mạng. Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ Lang Chánh chỉ có 147 đảng viên, để đáp ứng yêu cầu vừa tổ chức lãnh đạo sản xuất vừa chiến đấu và vừa chi viện cho các chiến trường, thì trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ đã tích cực lựa chọn, giáo dục, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú là những hạt nhân điển hình tiên tiến trong phong trào cách mạng kết nạp vào Đảng. Năm 1974, kết nạp được 21 đảng viên mới (trong đó, có 13 đồng chí là con em dân tộc thiểu số, 13 đồng chí là nữ), nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 769 đồng chí, trong đó có hàng trăm đảng viên nữ. Cùng với phát triển về số lượng, các cấp ủy Đảng đã vận dụng nghiêm túc, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng như: Chỉ thị 135, Chỉ thị 208, Nghị quyết 23 của Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, lần thứ VII... Cùng với học tập nâng cao trình độ chính trị, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và xem việc học tập nâng cao trình độ là nhiệm vụ, là trách nhiệm của từng đồng chí. Cùng với phát triển đảng viên mới, xóa điểm trắng không có sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ đã tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt cho các cấp, các ngành. Trong đó đội ngũ cán bộ nữ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thay thế cán bộ, đảng viên là nam giới được điều động vào bộ đội, thanh niên xung phong chiến đấu, công tác trên các chiến trường. Nhờ đó, cán bộ nữ đã có đủ năng lực và phẩm chất gánh vác công tác xã hội. Nhiều đồng chí đã phấn đấu trở thành bí thư, chủ tịch, xã đội trưởng, trung đội trưởng, chủ nhiệm HTX, cán bộ chủ chốt các ngành cấp huyện. Nhiều chị em đã lập thành tích xuất sắc trong tổ chức chỉ đạo sản xuất và chiến đấu. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức đã nâng cao trình độ tổ chức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, nâng cao phẩm chất năng lực của Đảng bộ trên mọi phương diện. Điều đó được minh chứng trong việc đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng vào năm 1974: toàn Đảng bộ có 366 đảng viên đạt loại tốt, còn lại là đảng viên đạt loại khá và trung bình. Toàn Đảng bộ có 60% chi bộ đạt loại tốt, 35% chi bộ đạt loại khá.

Sự lớn mạnh và trưởng thành của Đảng bộ là nhân tố đảm bảo cho hệ thống chính trị của Đảng không ngừng phát triển. Hệ thống chính quyền các cấp được tăng cường cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ và năng lực tổ chức điều hành sự nghiệp xây dựng CNXH và chống Mỹ cứu nước. Mặt trận, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên hiệp Công đoàn đã vận động, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân tiến hành các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi rộng khắp đem lại hiệu quả chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa to lớn làm thay đổi bộ mặt quê hương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - tháng 4 năm 1975, Đảng bộ huyện Lang Chánh tiến hành Đại hội lần thứ X. Đại hội đã đề ra chủ trương, giải pháp giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 17 đồng chí, đồng chí Hà Trọng Hào được bầu làm Bí thư huyện ủy, đồng chí đồng chí Phạm Văn Cướn là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND. Đại hội Đảng bộ huyện thành công là điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự nghiệp cách mạng trên địa bàn toàn huyện tiếp tục phát triển.

Hai mốt năm thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH và chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Lang Chánh đã hun đúc những thành tựu lịch sử vẻ vang, đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân tộc đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Nhân tố có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trên địa bàn Lang Chánh là sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện. Trong điều kiện giao thông không thuận lợi, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, nặng tính tự cấp tự túc, nhưng Đảng bộ đã không ngừng phấn đấu vươn lên vừa học vừa làm, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu lãnh đạo xây dựng CNXH và chống Mỹ cứu nước.

Trong 21 năm xây dựng bảo vệ CNXH và đấu tranh thống nhất Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đồng bào các dân tộc huyện Lang Chánh đã lập nhiều thành tích vẻ vang, được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động, 1.706 Huân chương Chiến công và Huân chương Kháng chiến. Những thành tựu đạt được, những bài học kinh nghiệm được tích lũy là nguồn lực quý báu để Đảng bộ, nhân dân huyện Lang Chánh bước tiếp sang một thời kỳ mới - Thời kỳ cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phần 4: Sẽ tiếp tục được cập nhật.

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC HUYỆN LANG CHÁNH - THANH HÓA

Trưởng ban biên tập: Hoàng Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh

Điện thoại:(02373)874.002; Fax: (02373)874.002; Email: langchanh@thanhhoa.gov.vn

Ghi rõ nguồn tin Thanh Hóa Portal hoặc http://langchanh.thanhhoa.gov.vn khi phát hành lại các thông tin từ Cổng thông tin điện tử.

Chung nhan Tin Nhiem Mang