image banner
Truyền thống lịch sử Đảng bộ huyện Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa: (Phần 9)

KẾT LUẬN

Lang Chánh - mảnh đất miền núi vùng cao giàu tiềm năng tự nhiên và có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, đồng bào các dân tộc huyện Lang Chánh đã đoàn kết lao động sáng tạo, vượt qua bao thiên tai và địch họa, xây dựng và bảo vệ quê hương, góp phần cùng dân tộc viết nên những trang sử hào hùng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Thế kỷ XV, Lang Chánh tự hào là nơi được chọn làm căn cứ để Lê Lợi tập hợp hào kiệt bốn phương, dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược giành lại độc lập cho dân tộc.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2024-11-06/56b81c7fd5ba589dANH%20LICH%20SU%20DANG%20BO%201.jfif

Sau khi xâm lược và đặt ách cai trị lên đất nước ta, thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai đã tiến hành các chính sách áp bức bóc lột nhân dân ta rất dã man, nhân dân Lang Chánh cũng chịu cảnh lầm than, khốn cùng và tủi nhục của thân phận những người dân mất nước. Lúc bấy giờ, đồng bào các dân tộc trong huyện đã có ý thức đấu tranh chống lại sự áp bức của bọn cai trị phản động.

 Ngày 15 - 02 - 1949, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Ban Miền Tây, Hội nghị thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên huyện Lang Chánh, Chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời đã tạo ra bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng của huyện. Từ đây sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc ở Lang Chánh đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo. Thông qua các phong trào cách mạng, Chi bộ đã lựa chọn bồi dưỡng, kết nạp thêm được hàng chục đảng viên khác mà hầu hết là con em đồng bào các dân tộc trong huyện.

Tháng 8 - 1950, Đảng ủy Ban Miền Tây đã chỉ đạo thành lập Đảng bộ huyện Lang Chánh trên cơ sở 3 chi bộ (Chi bộ Cơ quan huyện, Chi bộ ghép Giao An - Tân Phúc, Chi bộ Đồng Lương). Đảng bộ huyện ra đời đã tạo ra sức mạnh mới, khí thế mới cho phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh.

Từ đó đến nay, Đảng bộ huyện đã trải qua 22 kỳ Đại hội, trong đó có 2 kỳ thuộc Đảng bộ Lương Ngọc. Các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra Nghị quyết lãnh đạo phong trào của huyện phù hợp với mỗi giai đoạn cách mạng cụ thể và phù hợp thực tiễn của địa phương. Nghị quyết của Đảng bộ huyện qua các kỳ Đại hội đã đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả rõ nét đưa Lang Chánh đi lên và ngày càng phát triển.

Trong quá trình hình thành và phát triển, từ chỗ chỉ có 04 đảng viên và 01 Chi bộ, đến nay Đảng bộ huyện Lang Chánh đã có 34 Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Huyện ủy, 157 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với tổng số 3.386 đảng viên. Không một thôn bản, cơ quan trường học nào lại không có đảng viên và tổ chức Đảng hoạt động. Trình độ của đội ngũ đảng viên đã được nâng lên một cách rõ rệt cả về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm thực tiễn công tác.

 Sự ra đời của Đảng bộ huyện Lang Chánh mà tiền thân là Chi bộ đầu tiên được thành lập tháng 2 - 1949 là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của nhân dân Lang Chánh trong việc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, cũng như trong việc thực hiện nhiệm vụ góp phần kháng chiến chống thực dân Pháp, khôi phục kinh tế, cải cách ruộng đất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh và nhân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiến tới giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Hàng nghìn con em Lang Chánh đã lên đường nhập ngũ và có mặt ở hầu hết các chiến trường, hàng nghìn người dân Lang Chánh đã tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu. Nhiều người con Lang Chánh đã anh dũng hy sinh, hoặc để lại một phần máu xương của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, hàng trăm bà mẹ, người vợ, người chị của quê hương Lang Chánh đã thầm lặng đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Trong quá trình hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ Lang Chánh đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc trong huyện làm chuyển biến căn bản về tình hình kinh tế - xã hội của huyện. Các lĩnh vực kinh tế - xã hội tăng trưởng đáng kể, các thành phần kinh tế đều được tạo điều kiện phát triển, quốc phòng - an ninh được bảo đảm.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2024-11-06/7cd41dacf880d34dLICHI%20SI%20%C4%90F%20MOI.jpg

Từ thực tiễn 70 năm lãnh đạo nhân dân trên địa bàn huyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những thành công và những tồn tại, hạn chế đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Lang Chánh những bài học vô cùng quý giá, đó là:

Một là: Quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, tổ chức lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng

Trong tiến trình lãnh đạo các phong trào cách mạng trên địa bàn huyện đã minh chứng, để thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị nặng nề, to lớn và phức tạp, Đảng bộ huyện luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương một cách kịp thời, sáng tạo. Trong điều kiện cụ thể ở một huyện miền núi vùng cao, cả trong thời chiến và thời bình, Đảng bộ luôn bám sát tình hình thực tiễn, đưa ra các giải pháp cụ thể, kịp thời lãnh đạo nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.

Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ Lang Chánh chưa được thành lập, nhân dân Lang Chánh bị bọn thổ ty, lang đạo phản động đàn áp, lung lạc, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước bị xuyên tạc và không được thực hiện; sự nghiệp kháng chiến kiến quốc ở Lang Chánh và khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn… Tỉnh ủy đã giành nhiều thời gian, tâm huyết, trí tuệ tổ chức củng cố. Từ khi Đảng bộ huyện được thành lập đã tổ chức lãnh đạo công cuộc cách mạng trên địa bàn huyện, sự nghiệp cách mạng phát triển đúng hướng và tất thắng; đường lối, chủ trương của Đảng, chiến lược sách lược của cách mạng trở thành hiện thực sinh động, góp phần đưa đồng bào các dân tộc Lang Chánh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác ngày càng to lớn vẻ vang hơn.

Hai là: Tích cực, kiên trì vận động đồng bào các dân tộc trong huyện tham gia phong trào cách mạng, tạo nên sức mạnh đoàn kết bền vững, lực lượng hùng hậu để bảo vệ quê hương, xây dựng đất nước.

Công tác vận động cách mạng trong đồng bào các dân tộc được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ chiến lược và cấp thiết trong quá khứ, hiện tại và lâu dài. Vận động cách mạng trong đồng bào các dân tộc là quá trình tổ chức xây dựng lực lượng đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng thành công.

Là huyện có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, phong tục tập quán, trình độ văn hóa, kinh tế - xã hội có nhiều điểm tương đồng, nhưng có nhiều điểm khác biệt. Dưới thời Pháp thuộc, bằng chính sách áp bức, bóc lột dã man, tàn bạo, thực dân Pháp đã câu kết với bọn lang đạo phản động tiến hành chia rẽ dân tộc, tôn giáo và thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Vì vậy, đồng bào các dân tộc Thanh Hóa nói chung, Lang Chánh nói riêng bị đắm chìm trong đêm trường nô lệ, đói nghèo, lạc hậu, dân trí xã hội thấp, dễ bị bọn lang đạo phản động lợi dụng. Để giúp đồng bào các dân tộc và nhân dân trong huyện, Đảng bộ huyện Lang Chánh đã cử các đảng viên cộng sản, chiến sỹ lực lượng vũ trang cách mạng đến cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào các dân tộc. Thông qua sinh hoạt thực tiễn, tập hợp nhân dân vào các tổ chức chính trị, từng bước tiến hành tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng, tạo nên sức mạnh đoàn kết bền vững, lực lượng hùng hậu để bảo vệ quê hương. Các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với miền núi và đồng bào các dân tộc được thực hiện triệt để và kịp thời. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Sự chênh lệch về kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền được rút ngắn khoảng cách.

Kết hợp tuyên truyền giáo dục vận động cách mạng với tổ chức hoạt động thực tiễn đem lại quyền lợi thiết thực, cụ thể, quyền lợi trước mắt và lâu dài cho đồng bào các dân tộc. Nhờ đó, giác ngộ cách mạng của đồng bào các dân tộc ngày càng cao, đồng bào các dân tộc Lang Chánh tự giác tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng, phấn đấu hy sinh cho lý tưởng cách mạng của Đảng. Cùng với sự phát triển toàn diện và vững chắc của lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân ra đời phát triển trưởng thành. Lực lượng vũ trang nhân dân là con em đồng bào các dân tộc bao gồm lực lượng dân quân, tự vệ, các đơn vị bộ đội huyện, các đơn vị công an nhân dân đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tham gia chiến đấu bảo vệ từng thước đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự bình yên cho Đảng bộ, nhân dân huyện nhà tiến hành sự nghiệp đổi mới trên quê hương, đất nước.

Ba là: Coi trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ

Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là quy luật tất yếu khách quan, là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng. 70 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trên địa bàn huyện đã không ngừng xây dựng Đảng bộ huyện trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, góp phần đảm bảo cho bản lĩnh chính trị, năng lực tổ chức lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng không ngừng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ huyện đã tổ chức tiến hành cuộc vận động “Xây dựng chi bộ tự động và tiến bộ”, nhờ đó mà Đảng bộ đã có đủ năng lực và phẩm chất tổ chức lãnh đạo nhân dân xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đảng bộ tiếp tục phát động cuộc vận động xây dựng Đảng “4 tốt”, nhờ đó, Đảng bộ đã có đủ phẩm chất và năng lực thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước. Trong chiến tranh, cán bộ, đảng viên là nam giới đã tình nguyện lên đường chiến đấu tại các chiến trường, cán bộ nữ đảng viên là nữ thay thế gánh vác công tác hậu phương, đảm nhận nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường giành thắng lợi quyết định.

Từ sau năm 1975, Đảng bộ đã tiến hành cuộc vận động “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”. Thông qua thực tiễn, Đảng bộ đã có đủ bản lĩnh cách mạng vượt qua thử thách to lớn, đẩy lùi khó khăn, thách thức, chớp thời cơ, vận hội đưa sự nghiệp đổi mới đi vào chiều sâu, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển quê hương, đất nước.

Bốn là: Phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, huy động sức mạng tổng hợp, tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Xác định thế mạnh của huyện là lâm nghiệp, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của tổ chức Đảng cấp trên và nghị quyết của Đảng bộ huyện, tạo chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. Năm 1999, lần đầu tiên trên địa bàn huyện hình thành được cơ sở sản xuất liên doanh, chế biến sản phẩm từ cây luồng, mang lại giá trị kinh tế cao góp phần tăng thêm thu nhập của nhân dân. Lang Chánh trở thành một trong những huyện đi đầu toàn tỉnh về phong trào trồng rừng, đặc biệt là trồng luồng. Cây luồng Lang Chánh đi khắp mọi miền đất nước, được đánh giá cao về chất lượng, được tỉnh tặng danh hiệu "Vua Luồng". Đồng bào các dân tộc huyện nhà tự hào vì cây luồng Lang Chánh được trồng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghĩa trang Trường Sơn.

Nhìn chung, kinh tế của huyện trong những năm qua duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tương đối toàn diện, năm sau cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay ước đạt 25,5 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3,5 lần so với 10 năm trước). Nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Hàng hoá đảm bảo lưu thông, giá cả ổn định, dịch vụ viễn thông, vận tải và các dịch vụ khác đáp ứng cơ bản nhu cầu đời sống của nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả tích cực, hoàn thành đưa vào quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo quy định. Đến nay, huyện đã có 9 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia Nông thôn mới là xã Giao An, 01 thôn đạt các tiêu chí thôn kiểu mẫu của tỉnh là thôn Giáng (xã Quang Hiến).

Văn hóa xã hội có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được quan tâm. Đến nay toàn huyện có 170/170 bản làng, cơ quan đơn vị khai trương đơn vị văn hóa; các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội được hạn chế đáng kể. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa lịch sử dân tộc của huyện nhà luôn được chú trọng, Lễ hội Chá Mùn của người dân tộc Thái được phục dựng, tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Lang Chánh với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và việc bảo tồn, phát huy di sản lịch sử - văn hóa”. Hiện nay, huyện đang xây dựng đền thờ Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn tại bản Năng Cát (xã Trí Nang). Tiềm năng về du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng được khai thác có hiệu quả, các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú.

Công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 46,3% năm 2008 giảm xuống còn 16,4% năm 2018.

Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống các âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch thường xuyên được duy trì. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân luôn được củng cố và tăng cuờng, khu vực phòng thủ của huyện được xây dựng vững chắc, trật tự an toàn xã hội, an ninh nội địa, an ninh biên giới luôn được bảo đảm.

Là huyện có đường biên giới với nước bạn CHDCND Lào. Trong nhiều năm qua, Lang Chánh luôn làm tốt công tác ngoại giao, tăng cường hợp tác về nhiều mặt với huyện Sầm Tớ (tỉnh Hủa Phăn) trong việc giữ gìn bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện tốt việc tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng cao; sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội được tăng cường.

https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2024-11-06/798953ecd01544dd635949397.jpg

Chặng đường 70 năm (1949 - 2019), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Lang Chánh, diện mạo của huyện đã thay đổi từng ngày, từ một huyện có nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển đã vươn lên là huyện có tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ sở vật chất được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân theo đầu người ngày một tăng,... góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc, tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ, toàn diện, sâu sắc có chất lượng để nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của các cấp đề ra, đưa Lang Chánh từng bước thoát nghèo và trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2030.

            Kết luận

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC HUYỆN LANG CHÁNH - THANH HÓA

Trưởng ban biên tập: Hoàng Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh

Điện thoại:(02373)874.002; Fax: (02373)874.002; Email: langchanh@thanhhoa.gov.vn

Ghi rõ nguồn tin Thanh Hóa Portal hoặc http://langchanh.thanhhoa.gov.vn khi phát hành lại các thông tin từ Cổng thông tin điện tử.

Chung nhan Tin Nhiem Mang