Khua luống nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, cần được bảo tồn, lưu giữ và phát huy.
Lang Chánh là huyện miền núi có ba dân tộc anh em cùng chung sống, là Thái, Mường, Kinh trong đó dân tộc Thái có khoảng 27.997 người chiếm (56,99%), với kho tàng văn hóa rất đa dạng, phong phú, đặc sắc không thể không kể đến nét đẹp trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thái là nét đẹp văn hóa, thể hiện tập quán sống, thẩm mỹ, là niềm tự hào của dân tộc, không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử.
Page Content
Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào thái, đặc biệt trong dịp lễ hội, cưới hỏi, tết đến xuân về ta lại được thưởng thức một số loại hình văn hóa đặc trưng, trong đó phải kể đến khua luống.

Nét đẹp khua luống của đồng bào thái
Khua luống xuất phát từ cuộc sống lao động của người dân nơi đây, với người phụ nữ dân tộc thái, giã gạo là việc làm thường xuyên, quen thuộc hàng ngày, trong khi giã gạo, họ thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau, tạo nên những âm thanh vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả trên nương, dãy, trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ, tết, ngày cưới...
Khua luống có nhiều điệu, điệu chào khách, điệu mừng cưới, mừng lúa mới... kết hợp với cồng, chiêng, trống, sạp tạo thành một âm hưởng rất riêng để cùng quây quần trong những điệu múa, điệu nhảy của các tràng trai, cô gái... tăng thêm không khí vui tươi, náo nức trong ngày hội, số lượng người khua luống phụ thuộc vào luống dài, ngắn, hoặc tùy từng thời điểm hoàn cảnh để chia người khua...

Vui trong ngày hội cồng chiêng, khua luống
Cũng như người Thái ở khắp các bản làng trong huyện, người thái, xã Tam Văn từ lâu đã xem khua luống như một nét văn hóa tinh thần không thể tách rời trong đời sống cộng đồng dân cư, ở đây khua luống còn được gọi là háy lóng hoặc tống lóng - là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được tổ chức thường xuyên trong các dịp hội bản, sự kiện văn hóa, lễ tết, đón khách quý, giao duyên, tỏ tình trai gái, không ai biết khua luống ra đời từ khi nào, chỉ biết rằng tích xưa kể lại, vào những đêm khuya, những người phụ nữ thái thường đem lúa ra giã lấy gạo ăn cho cả nhà vào ngày hôm sau.
Vậy là, ở mỗi gia đình trong bản làng vang lên tiếng giã gạo tưởng chừng đơn thuần nhưng lại có ý nghĩa to lớn, góp phần xua tan những mệt mỏi thường nhật, từ đó họ dùng tiếng giã gạo làm phương thức giao lưu với nhau, dần dà trở thành một nét đặc sắc riêng trong đời sống đồng bào thái.
Hiện nay, tại khắp các bản làng người thái khua luống luôn được sử dụng như một lời chào đến với những du khách gần xa, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc là việc làm rất cần thiết, để các giá trị đó không ngừng được phổ biến, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân.
Ngọc Thỏa Đài TT-TH