Chuyển đổi đất lúa vùng khó khăn nước tưới, khô hạn sang trồng ngô

Trước tình trạng những chân ruộng cao trồng lúa luôn có nguy cơ khô hạn nặng do khó khăn về nước tưới đang ngày càng gia tăng trên địa bàn huyện Lang Chánh, Trạm khuyến nông Huyện đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng từ cấy lúa vùng khó khăn nước tưới sang trồng ngô với diện tích 8,5 ha tại thôn Cốc xã Đồng Lương.

Mô hình với  tổng diện tích 8,5 ha, với 40 hộ nông dân tham gia. được sự hỗ trợ về giống, phân bón cùng với sự chỉ đạo sát sao của Trạm khuyến nông huyện và sự nhiệt tình, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của các hộ tham gia, đã giúp mô hình triển khai hiệu quả ngay từ bước đầu. Qua theo dõi mô hình cho thấy cây ngô trồng trên vùng đất cao chuyển đổi vẫn mang những đặc tính tốt như tỷ lệ nảy mầm cao, thời kỳ cây con khỏe, phát triển tốt, hồi phục nhanh khi gặp các điều kiện bất lợi, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, chịu hạn và chống đổ tốt, sinh trưởng và phát triển đồng đều, bắp to, dài, tỷ lệ hạt trên bắp cao.....,  năng suất ước đạt 320 kg/500m2. Hiệu quả của việc chuyển đổi trồng ngô thay lúa trên vùng đất khó khăn nước tưới được thể hiện rõ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vụ Đông Xuân năm nay, đó là trong khi nhiều diện tích lúa cấy, đặc biệt trên những diện tích chân cao đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu nước lúa sinh trưởng phát triển chậm, thậm chí bị chết rét và phải cấy lại làm tăng chi phí sản xuất, nhưng ngô của mô hình ít bị ảnh hưởng, vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

Cán bộ kỹ thuật trạm Khuyến nông và nhân dân kiểm tra chất lượng ngô  của mô hình trước khi thu hoạch tại xã Đồng Lương

Ngô là cây trồng dễ thâm canh, cho hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng khác, là sự lựa chọn thích hợp cho các vùng đất cao gặp khó khăn về nước tưới, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên đồng đất.

Có thể nói việc chuyển đổi diện tích đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô là hướng đi đúng đắn, kịp thời không chỉ giúp nông dân tiếp cận, ứng dụng các giống ngô có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, tiếp cận với phương thức sản xuất mới mà còn là giải pháp tăng giá trị cho các diện tích đất lúa 1 vụ, đất không chủ động nguồn nước tưới. Để tiếp tục phát huy hướng sản xuất này, huyện, ngành Nông nghiệp và các địa phương nên có những cơ chế hỗ trợ phù hợp để bà con nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật, làm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Đình Toàn Đài TT-TH