Lưu giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái huyện Lang Chánh.

Lưu giữ nghề truyền thống không những bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nghề truyền thống của huyện Lang chánh trong đó có nghề dệt thổ cẩm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề , việc làm đang dần được khôi phục và phát huy được hết giá trị của nó.

              Thực hiện theo chương trình đào tạo nghề cho lao động Nông thôn, theo Quyết định 1956 của Chính phủ, Huyện Lang chánh đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các nghề truyền thống. Qua đó, không chỉ lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn tạo công ăn việc làm, tăng giá trị sản xuất, thu nhập cho người lao động.

               Trong năm 2016, Lang chánh đã mở được 03 lớp dệt thổ cẩm tại 03 xã là Lâm phú, Đồng lương và Trí Nang với gần 250 lao động. Nghề dệt truyền thống đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người dân trong huyện, một phần bởi nơi đây còn lưu giữ được sắc màu thổ cẩm. Những tấm khăn choàng, những chiếc váy có màu sắc bắt mắt với họa tiết hoa văn phong phú luôn chiếm được tình cảm của những ai đã từng được nhìn thấy các sản phẩm thổ cẩm này.

                Trước đây, nghề dệt thổ cẩm ở các bản, làng của huyện Lang chánh mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nơi đây, góp phần giúp người dân giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đang dần bị mai một bởi những sản phẩm thổ cẩm truyền thống giờ chỉ còn lại trong hồi ức của các già làng, hoặc may mắn một vài người biết và giữ nghề.

          Nhờ phát huy nghề truyền thống dệt thổ cẩm nên ở bản Năng Cát xã Trí Nang hiện có khoảng 40 hộ đang theo học và lưu giữ nghề dệt, Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, phụ nữ nơi đây lại miệt mài bên khung cửi để dệt nên những sản phẩm văn hóa truyền thống. Do bị sản phẩm của các ngành khác lấn át, cạnh tranh nên có thời điểm, nghề dệt thổ cẩm phải hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, nhớ đến tổ tiên, người dân bản Năng Cát vẫn quyết tâm giữ nghề, người đi trước  truyền lại cho thế hệ con cháu với mong muốn nghề truyền thống của cha ông sẽ mãi được lưu giữ..

.

Chị Ngân Thị Khuyến Bản Năng Cát xã Trí Nang đang bên khung cửi miệt mài dệt  hàng Thổ cẩm truyền thống.

            Tháng 11/2016, người dân Bản Năng cát vui mừng, phấn khởi được UBND tỉnh Thanh Hóa chính thức công bố tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát - Thác Ma Hao, điểm du lịch và cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nguyên sơ của đồng bào người Thái. Từ bao đời nay, người dân xã Trí Nang nói chung và bà con Bản Năng Cát nói riêng đã có truyền thống dệt thổ cẩm để làm trang phục cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Bằng những nguyên, vật liệu từ thiên nhiên, người dân địa đã dệt nên những sản phẩm đẹp mắt, có ý nghĩa và có giá trị trên thị trường, được khách hàng và du khách đến thăm quan du lịch ưa chuộng.

                 Dệt thổ cẩm là nghề rất có tiềm năng phát triển, góp phần bảo tồn, lưu giữ văn hóa dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, ở nhiều địa phương, nghề này vẫn chưa được phát huy, nếu có thì chỉ xây dựng theo quy mô nhỏ lẻ, hướng sản xuất chưa cao. Nghề dệt thổ cẩm thủ công đang đứng trước sự cạnh tranh về số lượng, mẫu mã, giá thành của các sản phẩm dệt công nghiệp.

               Bên cạnh đó, các địa phương chưa quan tâm đến việc hình thành và phát triển các tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp tại các làng, nên không có “người đỡ đầu” để cung ứng nguyên liệu đầu vào, đảm bảo thị trường đầu ra…

                  Để bảo tồn, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chính quyền các địa phương cần bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phát triển làng nghề. Gắn phát triển làng nghề với bảo tồn ngành nghề truyền thống và du lịch làng nghề. Cần tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí, tìm kiếm thị trường, đầu ra thông qua các hội chợ, lễ hội du lịch để quảng bá… Đặc biệt, vận động thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp làm “Người đỡ đầu” cho làng nghề phát triển một cách bền vững.

 

 

Ngọc Thỏa Đài TT-TH