Lang Chánh chăn nuôi gia súc vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Với địa hình đồi núi, đất đai rộng, Lang Chánh có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, nhiều năm qua huyện Lang Chánh đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ vốn, đồng thời, thực hiện các giải pháp kĩ thuật nhằm phát triển lĩnh vực chăn nuôi tiềm năng này.Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi gia súc ở huyện vẫn đang gặp khó khăn

Để phát triển chăn nuôi gia súc, đầu năm 2016, huyện Lang Chánh đã ban hành nghị quyết riêng về cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Theo đó, nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc cũng đã được triển khai, như: Hỗ trợ trang trại chăn nuôi trâu, bò tập trung, có quy mô thường xuyên từ 10 con đến dưới 50 con, với mức hỗ trợ từ 5 đến 25 triệu đồng/1 trang trại, hỗ trợ tiền mua giống và xây dựng chuồng trại cho trang trại chăn nuôi lợn tập trung, với mức hỗ trợ từ 10 đến 25 triệu đồng/1 trang trại, hỗ trợ tiền làm chuồng trại cho trang trại chăn nuôi dê có quy mô từ 30 đến 150 con, với mức hỗ trợ từ 5 đến 25 triệu đồng/trang trại. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ tiền cho các hộ chăn nuôi lắp đặt công trình biogas; hỗ trợ trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc...  Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, cùng với các chính sách hỗ trợ, nên chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện tại, toàn huyện có 16.505 con trâu, bò và phát triển được hơn 20 trang trại, gia trại gia súc.

Mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Hà văn Lực thôn Cui xã Đồng Lương

Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi gia súc ở huyện vẫn đang gặp khó khăn do nhận thức của người dân còn hạn chế, tình trạng chăn nuôi theo hình thức chăn thả vẫn là chủ yếu, chưa chủ động được nguồn thức ăn; công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi chưa được người dân quan tâm, nên đôi khi vẫn còn xảy ra một số dịch bệnh; kỹ thuật chăn nuôi của người dân chưa cao  khiến cho hiệu quả kinh tế chăn nuôi thấp.

Để  giúp người dân phát huy được những tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, cùng với việc lựa chọn được những con nuôi tiềm năng, có sức cạnh tranh cao, huyện đã xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp để nâng cao năng lực sản xuất giống nhằm chủ động nguồn giống tại chỗ; hỗ trợ và khuyến khích áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong việc sản xuất thức ăn tự chế để giảm chi phí. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo hướng tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con nông dân phát triển chăn nuôi ổn định và không ngừng tăng lên trong những năm tiếp theo.

 

 

 

Đình Toàn Đài TT-TH