Trạm khuyến nông huyện tăng cường hỗ trợ nhân dân phục tráng, thâm canh, phát triển rừng luồng bền vững

Thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ huyện nhiệm kì 2015-2020 về phát triển lâm nghiệp lây cây luồng làm trọng tâm, thời gian qua Trạm khuyến nông Lang Chánh đã tăng cường công tác tập huấn, hỗ trợ kĩ thuật phục tráng luồng cho các địa phương, hàng trăm ha luồng nghèo kiệt đã trở nên xanh tốt.

Năm 2016 Trạm Khuyến nông đã phối hợp với Chương trình PTV Lang Chánh, UBND xã Đồng Lương khảo sát thực tế, đã chọn 12 ha của 14 hộ dân tại 02 thôn Xuốm và Chỏng xã Đồng Lương tham gia xây dựng mô hình. Hầu hết các hộ đều có diện tích rừng tập trung, liền kề và có đủ lao động phục vụ cho công tác hiện trường, rừng thuộc dạng nghèo dinh dưỡng không có thảm thực vật cây bụi che phủ chủ yếu là cỏ dại trên nền đất khô cứng. Theo ông Phạm Văn Thiệu –  thôn Xuốm xã Đồng Lương cho biết "Trước đây có một số lớn diện tích rừng luồng trong thôn bị suy kiệt nặng nề do bà con nhân dân khai thác quá mức và hầu như không chăm sóc, nhiều hộ gia đình khai thác cả cây non, cây để giống, gốc chặt quá cao… Để cây luồng phát triển trở lại, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân trong thôn, ban thôn đã  vận động bà con nhân dân chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng luồng "

Trong quá trình chỉ đạo và thực hiện các bước trong quy trình kỹ thuật phục tráng rừng luồng đã được người dân thực hiện nghiêm túc, theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Sau khi kết thúc giai đoạn 1, chất lượng rừng luồng đã được cải thiện, tỉ lệ cây sâu bệnh, cụt ngọn, dây leo cỏ dại ít, cây luồng sinh trưởng và phát triển tốt, Chất lượng đất của rừng luồng phục tráng đã được cải thiện rõ rệt.

Cán bộ Trạm khuyến nông Lang Chánh  hướng dẫn bà con thôn Xum xã Đồng Lương kỹ thuật phục tráng, thâm canh rừng luồng.

Thực hiện kế hoạch phục tráng 500 ha luồng nghèo kiệt của huyện trong năm 2016, Trạm khuyến nông huyện đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp  để phát triển ổn định diện tích  luồng, nâng cao chất lượng và hiệu quả thâm canh cây luồng,  vận động, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức trong việc trồng, chăm sóc, khai thác luồng; nhân rộng các mô hình cải tạo, phục tráng rừng luồng, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững cho người nông dân.

Đình Toàn Đài TT-TH