Gian nam sự học tại điểm trường khu Húng xã Giao Thiện Huyện Lang chánh.

Tuyến đường đến làng Húng, xã Giao Thiện huyện Lang Chánh cũng khó khăn như việc dạy học, các thầy cô giáo ở điểm trường quanh năm sống với núi rừng, mây mù bao phủ, không ngại khó khăn, miệt mài “gieo chữ” cho học trò nghèo giữa đại ngàn heo hút.

Để đến được làng Húng, từ trung tâm xã Giao Thiện phải đi gần 10 km đường đèo quanh co, dốc, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm.  làng Húng có 110 hộ sinh sống với 453 nhân khẩu, 70% hộ dân ở đây đều thuộc diện nghèo, điện thắp sáng chưa có, nên dù đã hình thành từ rất lâu rồi, nhưng cuộc sống nơi này vẫn còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Dường như cái đói, cái nghèo khiến cho người ta không “mặn mà” với việc học chữ. Nơi này, những năm trước chỉ có hơn 10 học sinh được xuống trường trung tâm xã để học, còn lại đều dang dở rồi theo cha mẹ đi rừng, làm nương.

“Con chữ” chỉ đến với họ khi điểm trường tại làng được mở, hướng bà con đến với sự học thì “con chữ” ở đây mới bắt đầu được người dân quan tâm. Nói là điểm trường nhưng cũng chỉ với 3 phòng học  với ngôi nhà gỗ 3 gian được dựng tạm, vừa là nơi học tập của các cháu nhỏ, vừa là nơi sinh hoạt của các thầy, cô giáo. Vượt qua khó khăn, các thầy giáo bám bản, bám dân, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong làng tới từng hộ gia đình, vận động đưa con em tới lớp. Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Quách Anh Tuấn, phụ trách điểm trường khu Húng cho biết: "Cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, khiến cho ý thức về việc cho con trẻ đi học không được bà con ở đây quan tâm, nhiều cháu đang học giữa chừng đã bỏ để theo cha mẹ lên nương".

Một giờ học của thầy và trò tại điểm trường khu lẻ làng Húng xã Giao Thiện

 Cứ đến đầu năm học hay vào vụ rẫy, ngày rét là các thầy giáo luôn phải đi vận động học sinh đến trường. Hơn nữa, việc dạy học cũng khá vất vả khi trình độ tiếp thu của học sinh còn nhiều hạn chế, nhiều em tiếng Việt còn chưa sõi, chính vì vậy mà các thầy giáo luôn phải sáng tạo nhiều cách dạy học mới cho phù hợp.

Khó khăn chồng chất khó khăn, ở đây do địa hình, cũng như kinh phí địa phương còn hạn hẹp, nên điện vẫn chưa có, chợ cũng không. Trời nắng đường đi đã bớt khó, mưa xuống thì vất vả hơn. Vì vậy, mà mọi sinh hoạt của thầy, cô giáo nơi đây đều phải phụ thuộc vào thực phẩm có sẵn ở địa phương để cải thiện đời sống. Hiện tại, khu lẻ làng Húng chỉ có 4 lớp học: Một lớp mầm non với 18 em học sinh và 4 lớp tiểu học 24 em học sinh trong đó một lớp phải học phòng tạm bợ, khuyến học sinh lớp 4. Nhiều em học sinh dù còn rất nhỏ, nhưng khi đến lớp học còn phải địu em mình đi theo vì bố mẹ còn bận đi nương. Cùng với đó các điều kiện phục vụ công tác dạy và học của nhà trường cũng còn thiếu. Thầy giáo Quách Anh Tuấn, phụ trách điểm trường khu Húng chia sẻ: "Mong muốn lớn nhất của nhà trường hiện giờ là được nhà nước quan tâm hỗ trợ xây mới lại phòng học cho các em ở điểm trường khó khăn như làng Húng, vì về cơ bản các phòng học nơi đây hầu như đã xuống cấp. Ngoài ra, trang thiết bị dạy học thiếu thốn, việc áp dụng đổi mới phương pháp dạy học gần như không thể".

Chia tay các em học sinh điểm trường khu lẻ làng Húng và những giáo viên đang ngày đêm miệt mài gieo ước mơ thoát nghèo cho các em nhỏ vùng cao, cùng tiếng trẻ em bi bô học bài ở điểm trường làng Húng như thắp thêm niềm tin vào một ngày mai tươi sáng ở làng vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Đình Toàn Đài TT-TH