Huyện Lang Chánh bước đầu thực hiện thành công mô hình sản xuất nông sản công nghệ cao.

Để nâng cao được năng suất, giá trị sản phẩm nông sản, huyện Lang Chánh đã nỗ lực đột phá từ khâu giống, quy trình chăm sóc, đưa vào áp dụng các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, bước đầu cho kết quả khả quan về chất lượng, sản lượng, giá cả cạnh tranh, được thị trường chấp nhận, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch của nhân dân trong và ngoài huyện.

 

Sau một thời gian nghiên cứu học hỏi kỹ thuật trồng  từ các kênh thông tin, được tham quan học tập mô hình sản xuất nông sản công nghệ cao trong tỉnh, gia đình ông Nguyễn văn Hoàn, Thị trấn Lang Chánh đã đưa vào trồng hơn một  sào dưa Kim Hoàng Hậu, dưa thơm vân lưới. Đây là giống dưa  ngọt có xuất xứ từ các nước Châu á. Chỉ sau hơn 2 tháng trồng, dưa của gia đình ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo tính toán của gia đình ông Hoàn, với 1 sào dưa Kim Hoàng Hậu có thể thu hoạch được 8 tạ đến 1  tấn quả.  Giá bán thị trường khoảng 35.000đ/kg, thu về trên 30.000.000đ/sào. Đây là loại quả được thị trường ưa chuộng nên từ khi chưa thu hoạch đã có nhiều người đến hỏi mua, đặt hàng với số lượng lớn. Ngòai ra gia đình ông còn trồng thêm cà chua, các loại hoa bán dịp tết nguyên đán. Ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết kinh nghiệm sản xuất theo công nghệ mới  là cần tuân thủ những qui định ngặt nghèo về phòng trừ dịch bệnh. Nhà vườn có đầy đủ hệ thống tưới tiêu, đèn chiếu sáng ,cũng như các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn  và sản phẩm chính phải phù hợp với thị hiếu của thị trường.

Dưa Kim Hoàng Hậu trồng theo công nghệ mới mang lại giá trị kinh tế cao đã có thể thu hoạch của gia đình ông Nguyễn văn Hoàn, Thị trấn Lang Chánh

Gia đình anh Lê Phi Chiều, thôn Ảng, xã Quang Hiến cũng đã thành công trong trong việc đưa giống dưa thơm kim hoàng hậu, hoa Dạ yến thảo và trồng các loại rau trên đồng đất lúa không chủ động được tưới tiêu với qui trình khép kín. Các mô hình nông sản công nghệ cao tại huyện Lang chánh đều áp dụng quy trình chăm sóc sạch, đầu tư nhà lưới, vườn ươm riêng, không sử dụng hóa chất bảo quản sau thu hoạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng nhu cầu thị trường không chỉ trong tỉnh Thanh Hóa mà còn xuất đi các tỉnh ngoài. Kết quả các mô hình này đều khẳng định giá trị kinh tế vượt bậc so với những loại cây trồng trước đó trên cùng đơn vị diện tích, cùng thời điểm.

       Trong năm 2015, Huyện Lang Chánh cũng đã hỗ trợ bà con nhân dân bản Năng cát thực hiện mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn vietgap, đã cho thu hoạch một vụ, cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện. Cùng với đó, huyện cũng đã xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm rau an toàn tại chợ thị trấn Lang Chánh, đăng kí nhãn hiệu, tiêu chuẩn vietgap cho rau và hoa quả sản xuất tại địa phương

            Để xây dựng thương hiệu nông sản an toàn, phát triển bền vững, huyện Lang Chánh đang có chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, tăng mức đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động Khoa học công nghệ; hỗ trợ lãi suất  vay cho người dân đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ kinh phí cho người dân chuyển đổi trồng lúa sang màu, vườn; Đào tạo tập huấn cho cán bộ về khoa học công nghệ (lĩnh vực: công nghệ sinh học, điện tử, hóa học, cơ khí, vật liệu…), sản xuất các loại nông sản theo tiêu chuẩn vietgap, đồng thời  xây dựng  chương trình liên kết thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài cho nông sản địa phương.

           

 

            

Đình Toàn Đài TT-TH